Bệnh sởi có nguy cơ lan rộng

Theo TS Đỗ Duy Cường -Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh sởi dễ lây qua đường hô hấp nhưng lành tính. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết giao mùa, bệnh có khả năng bùng phát thành dịch, kết hợp với các bệnh khác tạo thành biến chứng nặng, có thể gây tử vong ở trẻ em.

Bệnh nhân B.H.V công tác tại Bệnh viện Việt Đức rồi mắc sởi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Bệnh nhân B.H.V công tác tại Bệnh viện Việt Đức rồi mắc sởi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, sáng 10/1, đang điều trị cho 6 bệnh nhân mắc sởi. Các bệnh nhân này đều là nữ, đang có thai, phát ban sởi trong một đến hai ngày gần đây. Các bệnh nhân mắc sởi đều do không tiêm phòng. Khi được hỏi lý do, chị P.T.H. (37 tuổi, quê ở Sơn Tây) cho biết, do công việc bận rộn và sổ theo dõi tiêm chủng đã bị thất lạc, vì vậy chị không biết liệu bản thân đã được tiêm mũi vaccine phòng sởi hay chưa. Chị B.H.V. (36 tuổi, trú tại phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cũng không còn nhớ hay biết rõ về số mũi đã tiêm phòng. Đang mang thai chưa đầy 36 tuần, chị mắc sởi, đến điều trị tại bệnh viện mới hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm phòng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2018, toàn TP đã tiêm bổ sung 558.009 mũi vaccine phòng bệnh sởi - rubella, đạt tỷ lệ 91,72% và không ghi nhận sự cố hoặc tai biến trong chiến dịch tiêm chủng. Trong năm 2019, TP đặt mục tiêu đạt 95% trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vaccine, 95% trẻ 18 tháng tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi - rubella, trên 75% vaccine phòng bệnh viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trên 80% trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván.

TS Đỗ Duy Cường cho biết, sở dĩ các trường hợp bệnh nhân nằm tại khoa đa số là nữ và đang mang thai là bởi bệnh sởi gây sốt rất cao, mẹ có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới bội nhiễm (ngoài bệnh sởi, người bệnh còn nhiễm thêm một hay nhiều vi trùng, vi khuẩn hay virus khác gây thêm bệnh), khả năng sinh non cao. Vì vậy, bắt buộc phải điều trị nội trú để kịp thời xử trí các biến chứng có thể xảy ra. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đến từ cộng đồng, người này lây bệnh cho người kia, chẳng hạn như trường hợp của chị B.H.V. là kế toán tại Bệnh viện Việt Đức, chị mắc sởi do tiếp xúc với bệnh nhân.
Trong 3 tháng trở lại đây, tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận có sự tăng lên của các ca mắc sởi ở người lớn. Nếu trong năm 2018, số ca mắc bệnh rải rác từ đầu năm tới cuối năm chỉ rơi vào khoảng 50 trường hợp, trong 3 tháng trở lại đây, mỗi tháng số lượng bệnh nhân tăng từ 5 - 7 trường hợp, rải rác tại các địa bàn của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, đối tượng mắc chủ yếu là nữ giới đang trong độ tuổi từ 25 - 40.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư cũng thường xuyên điều trị cho 20 trẻ mắc sởi mỗi ngày. Còn trên quy mô toàn quốc, số ca mắc bệnh trong năm 2018 rơi vào hơn 5.100 trường hợp, cao hơn rất nhiều so với năm 2017 (với hơn 300 trường hợp). Do đó, TS Đỗ Duy Cường cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.
Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng bệnh
Theo TS Đỗ Duy Cường, sởi là căn bệnh lành tính. Nếu bệnh nhân mắc sởi, có thể chỉ cần điều trị tại tuyến cơ sở trong khoảng một tuần. “Nhưng nếu bệnh nhân mắc một căn bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc mắc sởi sau đó bị bội nhiễm, nhất định phải được điều trị nội trú tại bệnh viện. Bởi căn bệnh kép sởi - bội nhiễm hoặc cũng mắc bệnh khác rất nguy hiểm, gây suy giảm hấp thu, giảm miễn dịch và có thể viêm não ở cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp bệnh biến chứng nặng có thể gây tử vong, và đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ tử vong trong vụ dịch sởi năm 2014” - TS Đỗ Duy Cường nói.
Hiện nay có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, khi mắc thì được chẩn đoán là sốt phát ban hoặc dị ứng. Một số người dân lại coi nhẹ việc tiêm phòng, hoặc khi mắc sởi, không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện. Môi trường bệnh viện làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát.
TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân hãy bình tĩnh khi mắc sởi, đưa bệnh nhân tới khám tại các cơ sở y tế để nắm được tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt chú ý cách ly để tránh lây bệnh. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc có cơ địa đặc biệt như người già hoặc phụ nữ có thai, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Cũng theo TS Cường, cách tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Người lớn chưa được tiêm vaccine này, cũng nên đến các điểm tiêm phòng để được tư vấn, tiêm chủng. Nhất là phụ nữ chuẩn bị mang thai, nếu được tiêm vaccine sởi sẽ tạo kháng thể cho mình và cho con.

Chi Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/benh-soi-co-nguy-co-lan-rong-333981.html