Bệnh sán lợn 57 trẻ ở Bắc Ninh vừa nhiễm nguy hiểm như thế nào?

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Liên quan đến thông tin nhiều trẻ ở xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) dương tính với sán lợn, tối ngày 15/3, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong ngày 15/3 có 230 trẻ từ Bắc Ninh đến xét nghiệm. Trong đó, 173 ca đã có kết quả và 44 trẻ được xác định dương tính sán.

Còn tại Viện Sốt rét và Kí sinh trùng TƯ, có 135 trẻ ở Bắc Ninh đến khám. Trong đó kết quả xét nghiệm cho thấy 13/135 trẻ dương tính với sán lợn. Tổng Cộng, đã có 57 trẻ tại Bắc Ninh được xác định nhiễm sán lợn.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh sán dây mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền. Đến nay, đã có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.

Thịt lợn gạo có chứa sán lợn

Thịt lợn gạo có chứa sán lợn

Bệnh sán lợn có nhiều thể, tùy thuộc vào ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng. Cụ thể:

Bệnh ấu trùng sán lợn: Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn thì trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt. Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Bệnh sán trưởng thành ở ruột thường gặp ở người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán. Khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, rau sống; Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông; Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/benh-san-lon-57-tre-o-bac-ninh-vua-nhiem-nguy-hiem-nhu-the-nao-post56831.html