Bệnh Rubella có chữa được không? Cần hỏi gì khi gặp bác sĩ?

Là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nên bệnh Rubella có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người, nhất là đối với phụ nữ chuẩn bị bước vào thai kỳ.

Nội dung:

1. Chẩn đoán bệnh Rubella như thế nào?
2. Bệnh Rubella có chữa được không?
3. Biện pháp hỗ trợ điều trị Rubella tại nhà
4. Chuẩn bị các câu hỏi cần được tư vấn khi gặp bác sĩ

Rubella nói chung là căn bệnh tương đối nhẹ và người bệnh có thể khỏi hẳn sau khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, căn bệnh này lại nguy hiểm với đối tượng phụ nữ mang thai vì có thể gây ra các ảnh hưởng cho thai nhi. Do đó, câu hỏi bệnh Rubella có chữa được không là thắc mắc của hầu hết phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.

1. Chẩn đoán bệnh Rubella như thế nào?

Phát ban do bệnh Rubella có thể trông giống như nhiều phát ban do vi rút khác. Vì vậy, các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh Rubella thông qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Người bệnh có thể được chỉ định cấy vi rút hoặc xét nghiệm máu, các phương pháp này có thể phát hiện sự hiện diện của các loại kháng thể Rubella khác nhau trong máu của bạn. Những kháng thể này cho biết bạn đã từng bị nhiễm bệnh gần đây hay trong quá khứ hoặc đã tiêm vắc xin Rubella.

2. Bệnh Rubella có chữa được không?

Đáp án cho câu hỏi bệnh Rubella có chữa được không thì cho tới hiện tại vẫn chưa có thuốc điêu trị đặc hiệu cho bệnh mà các bác sĩ sẽ điều trị giảm nhẹ triệu chứng. Vì thế, có thể hiểu là chưa có biện pháp điều trị rút ngắn quá trình nhiễm (Tham khảo thêm: Các giai đoạn nhiễm Rubella).

Tuy nhiên, bác sĩ thường khuyến cáo cách ly với những người khác, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong giai đoạn lây nhiễm.

Đáp án cho câu hỏi bệnh Rubella có chữa được không chính là hiện nay không có phương pháp điều trị nào giúp rút ngắn quá trình nhiễm Rubella - Ảnh: industryglobalnews24

Đáp án cho câu hỏi bệnh Rubella có chữa được không chính là hiện nay không có phương pháp điều trị nào giúp rút ngắn quá trình nhiễm Rubella - Ảnh: industryglobalnews24

Nếu bạn mắc bệnh Rubella khi đang mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ về những rủi ro đối với em bé trong bụng. Nếu thai kỳ vẫn tiếp diễn, bạn có thể được cung cấp các kháng thể gọi là hyperimmune globulin có thể chống lại nhiễm trùng. Điều này có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng không loại trừ khả năng thai nhi phát triển hội chứng rubella bẩm sinh.

Việc hỗ trợ trẻ sơ sinh mắc hội chứng Rubella bẩm sinh khác nhau tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng mà trẻ gặp phải. Trẻ có nhiều biến chứng cần được điều trị sớm từ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa.

3. Biện pháp hỗ trợ điều trị Rubella tại nhà

Mặc dù không có phương án điều trị dứt điểm bệnh Rubella, nhưng cần có các biện pháp tự chăm sóc đơn giản khi trẻ em hoặc người lớn bị nhiễm vi rút gây bệnh Rubella, chẳng hạn như:

- Nghỉ ngơi tại giường, nên nằm nghỉ và đảm bảo phòng ngủ của bạn thoáng mát.

- Người bệnh có thể được kê đơn, Acetaminophen (Tylenol, những loại khác) để giảm sốt và đau nhức.

Cần có các biện pháp tự chăm sóc đơn giản khi trẻ em hoặc người lớn bị nhiễm vi rút gây bệnh Rubella - Ảnh: healthreflect

4. Chuẩn bị các câu hỏi cần được tư vấn khi gặp bác sĩ

Khi chuẩn bị cho một cuộc hẹn thăm khám với bác sĩ, bạn nên viết ra các câu hỏi cần được bác sĩ tư vấn. Bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, hãy chuẩn bị sẵn sàng câu trả lời để dành thời gian nhiều hơn cho những điều bạn cần biết. Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi bạn:

- Bạn đã được tiêm phòng Rubella chưa?

- Bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng, chẳng hạn như phát ban hoặc đau nhức các khớp bao lâu rồi?

- Bạn đã từng tiếp xúc với ai bị bệnh Rubella chưa?

- Bạn đã đi du lịch đến các nước khác trong những tuần gần đây chưa? Nếu có thì là nước nào?

Khi bạn đến làm thủ tục theo lịch hẹn, hãy nhớ nói rằng bản thân nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Bạn có thể được phát khẩu trang hoặc đưa vào phòng khám ngay lập tức để tránh lây nhiễm trong phòng chờ.

Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rubella/diagnosis-treatment/drc-20377315

Tiểu Quyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/benh-rubella-co-chua-duoc-khong-can-hoi-gi-khi-gap-bac-si-4120212757466382.htm