Bệnh phổi Vũ Hán phủ bóng đen lên kinh tế Trung Quốc?

Virus corona được đánh giá là cú đòn không lường trước được đối với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Tính đến 7h ngày 28/1, tại Trung Quốc đã có 2.863 người mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona, 82 người tử vong. Trung Quốc đã phong tỏa hơn 10 thành phố với 35 triệu dân để chặn dịch virus corona và động thái này khiến các thị trường rúng động, nhà đầu tư lo ngại.

Một câu hỏi lớn mà rất nhiều người đang đặt ra vào lúc này là liệu virus corona có gây tác hại lớn như đại dịch SARS năm 2003 hay không? Khi đó, dịch SARS cướp đi sinh mạng của 800 người.

Đây là câu hỏi vượt ra ngoài phạm vi Trung Quốc. Bởi từ nhiều năm qua, nền kinh tế Trung Quốc là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu. Nếu kinh tế Trung Quốc lao đao, tăng trưởng các khu vực khác trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2003, tăng trưởng Trung Quốc chỉ chịu ảnh hưởng ngắn hạn từ dịch SARS và quay trở lại mạnh mẽ khi các công ty toàn cầu ồ ạt xây dựng nhà máy ở Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính đại dịch SARS năm 2003 khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 20 tỷ USD.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn hơn năm 2003 nhưng tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 3 thập kỷ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hụt hơi vì chiến tranh thương mại và bom nợ 40.000 tỷ USD. Do đó, tác động của dịch bệnh với nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ nghiêm trọng hơn.

Trung Quốc đóng cửa các thành phố lớn để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đóng cửa các thành phố lớn để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ảnh: Bloomberg.

Bloomberg nhận định, virus corona là cú đòn không lường trước được đối với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tương tự cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ trong năm 2018 và 2019, virus bùng phát khó có thể kiểm soát bằng những công cụ tài chính kinh tế có sẵn.

Do chính phủ nỗ lực ngăn ngừa suy thoái kinh tế, hàng loạt biện pháp kích thích ngắn hạn được đưa ra, dẫn đến những rủi ro đáng kể về nợ xấu và thiệt hại tài sản thế chấp. Thêm vào đó, một số biện pháp cũng không phù hợp với hướng cải cách dài hạn mà Trung Quốc cần và đang tìm cách theo đuổi.

Virus corona đã giáng thêm một đòn lên thương mại Trung Quốc. Các thành phố bị đóng cửa, hoạt động giải trí và tụ họp bị hạn chế dẫn đến sự ngưng trệ của thương mại và dịch vụ ở quốc gia này.

Trong ngắn hạn, hoạt động kinh tế trong nước giảm tốc đã loại bỏ một bệ đỡ quan trọng trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Nó làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính, đòn bẩy quá mức và quả bom nợ 40.000 tỷ USD.

Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng “tác động về mặt kinh tế đối với Trung Quốc và những khu vực khác nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch sẽ rất nghiêm trọng nếu virus vẫn không được kiểm soát hiệu quả”.

EIU ước tính tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể trượt thêm 0,5 đến 1% trong năm nay so với dự báo 5,9%.

Về trung hạn, cú đánh vào các khu vực trong nước làm chậm lại việc tái định hướng cần thiết của nền kinh tế nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào bên ngoài và các doanh nghiệp quốc doanh, giúp khu vực tư nhân có khả năng tự duy trì.

Theo Bloomberg, quá trình phát triển của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển đổi khó khăn nhất do bẫy thu nhập, nền kinh tế bị mắc kẹt và khó bước lên mốc cao hơn. Đó là một hiện tượng đã khiến nhiều nền kinh tế phát triển trước Trung Quốc bị trật bánh.

Theo cây bút Mohamed A. El-Erian của Bloomberg, vẫn còn quá sớm để nói điều gì sẽ xảy ra trước mắt hoặc về lâu dài. "Nhưng điều rõ ràng ở giai đoạn này là nền kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng nhạy cảm sau quá trình phát triển ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua", cây bút nhận định.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và sau đó là thị trường thế giới.

Ngay từ giờ, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc, đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/benh-phoi-vu-han-phu-bong-den-len-kinh-te-trung-quoc-3395914/