Bệnh phát một đằng, khám thương một nẻo

Không được khám đúng bệnh lý căn cứ trên Giấy chuyển thương nên thương binh Nguyễn Hoàng Viên bị mất đi cơ hội được hưởng chính sách của Nhà nước...

Tháng 2/1968, tròn 20 tuổi, ông Nguyễn Hoàng Viên (xóm 8, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) lên đường nhập ngũ, và được biên chế vào đơn vị K2, trung đoàn 5 thuộc thành đội Huế. Ngày 13/9/1969, trong một trận chiến đấu tại chiến trường B4 (Thừa Thiên - Huế), hạ sỹ, tiểu đội phó Nguyễn Hoàng Viên bị sức ép của bom Mỹ ngất đi, toàn thân đau đớn, máu mồm, máu mũi, máu tai chảy ra rất nhiều, trĩ cũng bị sức ép làm lòi ra ngoài. Đồng đội đã dùng nước trong một vũng nước đọng lau rửa, băng bó tạm cho ông và chuyển ông vào bệnh viện dã chiến.

Tháng 9/1969, thấy vết thương của ông thuộc trường hợp nặng, bệnh viện đã cho chuyển ông lên bệnh viện tuyến trên. Phiếu chuyển thương ghi các vết thương: Trĩ ngoại cộng với đau ngực do sức ép. Đánh giá của bệnh viện là sức khỏe loại 3, suy giảm sức khỏe 28%.

Trong lúc chuyển ông lên tuyến trên, do điều kiện chiến trường ác liệt, bộ phận chuyển thương đã làm thất lạc giấy chứng thương, chỉ còn giữ lại được phiếu chuyển thương. Năm 1971, ông Nguyễn Hoàng Viên được xuất ngũ.

Do giấy chứng thương bị thất lạc, nên trong suốt 44 năm, ông Nguyễn Hoàng Viên không có căn cứ để đề nghị giám định, xếp loại thương tật, dù thương tật vẫn hành hạ ông. Mãi đến năm 2015, khi biết liên bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - Quốc phòng đã ban hành thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT- BLĐTBXH-BQP về “hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ” từ năm 2013, ông mới có đơn gửi cấp trên đề nghị xem xét giám định, xếp loại thương tật về trường hợp của mình.

Mất 5 năm trời, đi lại không biết bao nhiêu lần, ngày 12/11/2020, ông Nguyễn Hoàng Viên mới được Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô cấp lại giấy chứng thương. Giấy chứng nhận bị thương (cấp lại) của ông Viên có số 3561/CNBT-BTL do thiếu tướng Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Xuân Yêm ký, ghi rõ: Căn cứ để cấp lại giấy chứng nhận bị thương - loại A. Phiếu chuyển thương; bản khai cá nhân để cấp giấy chứng nhận bị thương.

Thế nhưng, phiếu chuyển thương và bản khai cá nhân của ông Nguyễn Hoàng Viên đều ghi là trĩ ngoại + đau ngực do sức ép; thì giấy chứng nhận bị thương cấp lại nói trên chỉ ghi đau ngực do sức ép. Tức là cắt mất phần trĩ ngoại. Phần phân loại sức khỏe loại 3, mất 28% sức khỏe ghi trên phiếu chuyển thương thì không nói gì đến.

Trên cơ sở Giấy chứng nhận bị thương cấp lại như trên, Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành thẩm định hồ sơ, và kết luận hồ sơ của ông Nguyễn Hoàng Viên đủ điều kiện giám định thương tật theo quy định tại thông tư liên tịch số 28 nói trên.

 Sức ép của bom khiến trĩ của thương binh Nguyễn Hoàng Viên bị lòi ra ngoài nhưng không được công nhận?

Sức ép của bom khiến trĩ của thương binh Nguyễn Hoàng Viên bị lòi ra ngoài nhưng không được công nhận?

Tuy nhiên giấy giới thiệu giám định thương tật của Cục Chính sách cũng chỉ ghi vết thương của ông Nguyễn Hoàng Viên là đau ngực do sức ép. Do chỉ được khám vùng ngực theo giấy giới thiệu nói trên, nên Hội đồng Giám định đã có kết luận các vết thương của ông Nguyễn Hoàng Viên không đủ tỷ lệ để xếp hạng thương tật.

Kết quả đó khiến ông Nguyễn Hoàng Viên rất bức xúc: Phiếu chuyển thương ghi rành rành, sức khỏe của tôi xếp loại 3, tổn hại 28%. Còn phần các vết thương cũng ghi rõ trĩ ngoại, đau ngực do sức ép. Như vậy là các bác sỹ ở bệnh viện dã chiến đã xác định rất rõ ràng rằng trĩ ngoại của tôi là một vết thương, và cơ chế hình thành vết thương đó là sức ép. Cả trĩ ngoại lẫn đau ngực đều do sức ép.

Từ khi bị thương đến nay, hai vết thương đó vẫn hành hạ tôi. Các bác sỹ ở khoa tim mạch cho biết, người bị sức ép của bom đạn, thì sức ép đó tác động đến toàn thân, gây tổn thương toàn thân, đặc biệt là đến lục phủ ngũ tạng chứ không phải chỉ tập trung vào vùng ngực. Vì vậy, khám thương tích do sức ép là phải khám tổng thể từ đầu óc, tai mũi, mắt đến tim phổi… và trường hợp sức ép gây nên trĩ ngoại cũng không phải hiếm.

Trong bản khai cá nhân (một trong những căn cứ để cấp lại giấy chứng nhận bị thương) của mình, ông Nguyễn Hoàng Viên cũng khai rất rõ lúc bị sức ép của bom Mỹ, trĩ của ông đã bị lòi ra ngoài. Thế nhưng Ban quân y cho rằng trĩ ngoại của ông là bệnh lý chứ không phải thương tật.

Thiết nghĩ, nếu Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô đã “căn cứ vào phiếu chuyển thương” để cấp lại giấy chứng thương thì nên ghi các vết thương của ông đúng như phiếu chuyển thương để giám định cho chính xác.

Vũ Hữu Sự

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/benh-phat-mot-dang-kham-thuong-mot-neo-d288161.html