Bệnh nước ăn

Má về với ba năm mười bảy tuổi. Má là Út nhứt của gia đình có một tiểu đội con: Út nhứt, Út nhì, Út ba, Út tư. Kể rằng khi nhà chồng tương lai đến xem mắt, má còn đi chơi đánh đũa với bạn hàng xóm. Đủ biết má không phải làm gì, chỉ bồng ẵm cháu cho các chị dâu làm lụng.

Ba là con trai duy nhất của nội, má chỉ sinh đẻ và cơm nước, vườn dâu xưởng dệt có nhân công lo. Rồi ba đi Việt Minh, xưởng dệt được hiến cho Tuần lễ vàng năm 1946 (một doanh nhân nhỏ mua và dỡ đi). Má bắt đầu số phận vọng phu như bao nhiêu phụ nữ thời chiến, má mang bầu mỗi khi ba về qua và sinh đẻ. Mười lăm năm chồng vợ với ba, má sinh tám đứa con, chỉ tiêu hao một đứa trong đại dịch đậu mùa.

Và rồi ba bị tù Côn Đảo và không bao lâu thì má thành bà góa. Bấy giờ mới thực sự là một mình với vườn rộng, sông dài, đêm thâu. Lật bật các con gái cũng có chồng và chinh phu như má. Đó là một nhà tù của lao khổ, nỗi niềm, mong ngóng, bứt rứt, đơn côi… chứ không chỉ là lao động, lo nghĩ và hít thở. Má là mẹ, má là bà, má chỉ biết đứng mũi chịu sào bằng công việc, không có giấc trưa, không có dậy muộn, không có ngủ sớm. Khi các con gái ôm con nhỏ vào giường với nỗi niềm của nó, má vẫn băm chuối cho lũ heo ngày mai, quen buồn quen thức, má cầm đèn dầu ra vườn chặt củi, hay giẫy cỏ, để cho ấm, má đốt lá đốt cành vừa ngắm lửa phập phù vừa ư ử hát Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng…

Mùa khô bao giờ cũng ngắn hơn mùa ướt. Vì không ai đếm ngày ráo, ngày sạch nên mùa ấy nó ngắn chăng? Mùa ướt bắt đầu bằng những trận mưa giông sấm sét, má như cái máy được cài thẻ nhớ, má dầm mưa, rửa lu, kê gạch, chùi nắp đậy, xoi máng xối và đưa khăn vải mùng ra lọc nước mưa để chứa. Sợ trời trở chứng mưa ngưng bất thần, nước mưa ấy chưa ngon nhưng rất có ích. Đến khi mưa già, một lần nữa má lại súc lu, sục máng, lọc nước, bấy giờ mới thực sự trữ nước để dành. Đôi chân thoăn thoắt, tiếng chân lép nhép, đất đai như chìm lút trong mưa.

Chuối nhảy con, những bụi chuối phổng phao, heo ăn chuối cây không hết, phải đốn bỏ. Cỏ cũng sởn sang, đầu tháng làm thì cuối tháng đã phải quay lại cái liếp ấy, hết liếp này đến liếp khác, không ngơi tay. Có thức cả đêm cộng với ban ngày, cũng không vật nổi với bọn cỏ lấn lướt các gốc cây ăn trái. Bến sông đầy lục bình, phải vớt chúng hất lên vừa làm phân xanh trồng rau trồng củ vừa để sạch luồng cho tam bản ra vô xẻo. Hầu như không lúc nào hai ống quần của má được khô ráo, trừ lúc lên giường.

Năm này chí năm khác. Hai đứa con gái ở nhà ôm vườn với má để cho đám con ở giữa đi vào bưng vào cứ, hai đứa hai người chồng quân nhân rồi cũng lần lượt thành bà góa như má. Bấy giờ mới thực sự ba ốc đảo trong nhà trừ những lúc công việc cần nhau. Chúng bận những đứa con côi, chúng giống như những người câm trong ngôi nhà trong khuôn vườn không bao giờ có bóng dáng đàn ông nữa. Đêm đêm mới thê thiết, mưa sầm sập hoặc mưa nhóc nhách đều bó người ta trên chiếc giường dầm dề nhớ nhung, buồn tủi. Má biết mình cựu góa, má nhiều thâm niên góa, má thao thức quen rồi nên má hay lục đục ở chái kho để tránh tiếng động phân tâm hai đứa con góa trẻ của má.

Biết bao nhiêu việc đến tay ngoài chuyện xắt chuối băm chuối đều như cơm bữa. Vá quần vá áo cho mình, cho con, cho cháu. Vần gạo lượm thóc, xiết lại những cái thúng cái sàng, quấn lại cái cán chổi hoặc tướt cọng dừa bó chổi mới… Cũng không hết đêm sâu. Mỗi khi má dành thời gian cho dàn móng tay và móng chân của mình, má phải thắp thêm một cây đèn nữa mới đủ sáng. Bởi vì tuổi già đã sộc đến, những cái móng còn già hơn má, chúng sừng hóa như móng của thú chứ không phải của người dù má không biết nó giống với thứ thú nào. Má dùng cái dao bén để gọt móng, bặm môi cau mặt để ấn cái kéo quanh lũ móng cứng đanh như đá.

Và má tức mình với cái kiểu ngứa kẽ ngón trong mùa mưa. Không thấy ai có những cái kẽ ngón chân lầy nhầy mục mủn như má. À, má nhớ bàn tay của bà bán cá ngoài chợ, khi má ngạc nhiên, bà ta bảo do ngày nào cũng ngâm trong nước rọng cá và làm cá cho khách nên kẽ tay bị lở. Bà kêu đêm đêm bà phải hơ tay trên lửa để thôi ngứa và để hôm sau mới tiếp tục được. Má hơ hai bàn chân bên bếp lửa nồi cám heo và đặt cho bệnh của mình là bệnh nước ăn. Má giấu nhẹm với hai con gái góa chuyện má ngứa, má hơ chân, mọi thứ, chỉ vì má không muốn các con khuyên can, cằn nhằn hay lo lắng.

Cuối cùng má cũng già hẳn, đau nhức hết các khớp tay khớp chân và ngồi xe lăn. Khi ấy bệnh nước ăn chân mới rời bỏ má.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 49)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/benh-nuoc-an-post231997.html