Bệnh nhi nặng không còn phải chuyển viện đến TP.HCM

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM được giao làm Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho 25 tỉnh thành phố từ Bình Định đến Cà Mau, những trường hợp bệnh nhi nặng không còn phải chuyển viện.

68 điểm cầu được Bệnh viện Nhi Đồng 1 hỗ trợ từ xa

Ngày 24/9, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth Center). Đã có 68 điểm cầu từ 25 tỉnh/thành phố từ Bình Định đến mũi Cà Mau đã đăng ký tham gia đề án (là tuyến dưới) với Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Mục tiêu chính của đề án là năng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cả hệ thống y tế nhà nước và tư nhân thông qua các hoạt động: Hội chẩn từ xa (các trường hợp khó, cấp cứu); Huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho cán bộ y tế tuyến trước; Tư vấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, phòng, chống dịch; Sinh hoạt chuyên môn – bình bệnh án định kỳ…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay: “Từ thực tế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các chương trình đào tạo, hỗ trợ từ xa đã đạt nhiều hiệu quả quan trọng. Với sự triển khai Đề án Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, qua các hoạt động cụ thể, trách nhiệm của bệnh viện là hỗ trợ các bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh và huyện hội chẩn những ca khó, phức tạp giảm số trường hợp chuyển viện không cần thiết, chuyển viện không an toàn, tăng niềm tin và hài lòng của người dân vào hệ thống y tế cơ sở, giảm quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Song song với các hoạt động hỗ trợ, bệnh viện hướng đến thực hiện những chương trình huấn luyện, đào tạo kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện sản nhi tuyến dưới”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại buổi lễ

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại buổi lễ

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, để vận hành hệ thống có hiệu quả, bệnh viện đã lên các kế hoạch bảo trì hệ thống, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp tham gia hội chẩn vào những khung thời gian ngoài giờ hành chính. Để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao, các đơn vị tuyến dưới cần được trang bị thêm camera di động để tiếp cận gần hơn với người bệnh, thông qua màn hình các hình ảnh, thông số được dẫn truyền rõ ràng, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.

Hội chẩn cho 2 bệnh nhi phức tạp

Cũng trong ngày 24/9, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã kết nối với các điểm cầu để hỗ trợ hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh cho 2 trường hợp bệnh nhi có bệnh cảnh phức tạp.

Tại điểm cầu Bệnh viện Sản nhi An Giang, BS.CK2 Tôn Quang Chánh - Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhi nam 18 ngày tuổi là con thứ 4 của sản phụ Nguyễn Thị Xuân M. (ngụ An Giang) được đưa đến bệnh viện Sản nhi An Giang lúc 13h 45 phút ngày 31/8 do tình trạng sau sinh khó yếu, thở mệt. Trước đó, bệnh nhi được mổ bắt thai vì suy thai, mẹ mang thai 38 tuần. Sản phụ có tiền căn bị đái tháo đường. Ngay sau khi nhập viện, bệnh đã được nhập Khoa ICU, được can thiệp hỗ trợ đường thở, điều trị kháng sinh.

Các bác sĩ thực hiện hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua màn hình trực tuyến

Trong quá trình điều trị, bệnh nhi được xác định có tình trạng viêm phổi hít, nhiễm khuẩn huyết. Các bác sĩ đã nghiên cứu và tích cực điều trị cho bệnh nhi bằng các biện pháp, tình trạng bệnh nhi đã dần ổn định dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới. Thông qua trường hợp này, các bác sĩ mong muốn góp ý từ các bác sĩ tuyến trên.

Tại điểm cầu trung tâm là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam - Cố vấn chuyên môn cấp cao của bệnh viện đánh giá cao những nỗ lực và các biện pháp mà bác sĩ tuyến dưới đã điều trị cho bệnh nhi. Tổng kết các góp ý từ các bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam lưu ý bác sĩ tuyến dưới nên thận trọng lựa chọn kháng sinh, điều trị dinh dưỡng nâng cao thể trạng cho bệnh nhi, nên chỉ định cho bệnh nhi tái khám lại sau 1 tháng xuất viện để đánh giá lại tình trạng.

Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Bác sĩ Phạm Quang Dũng - Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết, bệnh nhi nữ 4 tháng tuổi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng ho, khò khè, thở mệt, được chẩn đoán Viêm phổi nặng trên thể trạng bệnh nhi mắc Hội chứng Down, tim bẩm sinh. Ở tuyến dưới, bệnh nhi được điều trị thở oxy, truyền dịch, kháng sinh nhưng không thuyên giảm.

Từ ngày 6/8 (bệnh nhi nhập viện) đến nay, các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp, tình trạng của bệnh nhi có cải thiện từng ngày. Tuy nhiên, điều đặc biệt là kết quả siêu âm, phát hiện bệnh nhi có thông liên nhĩ thứ phát đường kính khoảng 6mm, đối với tình trạng này các bác sĩ đang băn khoăn có nên đóng lỗ liên thông nhĩ hay không?

Bệnh nhi tại Bình Định mắc Hội chứng Down, tim bẩm sinh, viêm phổi phức tạp

Dựa trên các kết quả chụp chiếu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã yêu cầu các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định zoom camera đến gần với bệnh nhi để tiếp cận rõ hơn với các thông số trên máy thở. Theo Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, đối với trường hợp bệnh nhi này vấn đề chính hiện nay là điều trị viêm phổi, đặc biệt cần thận trọng khi sử dụng thuốc cao áp phổi bởi nguy cơ dẫn đến suy tim nặng hơn, sau khi điều trị viêm phổi ổn cần được đánh giá lại tình trạng tim bẩm sinh. Các bác sĩ cũng không nên bỏ sót yếu tố suy giảm miễn dịch. Đới với lỗ thông liên nhĩ đường kính 6mm không lớn, không nhất thiết phải phẫu thuật để đóng, cần tăng lược khí lên phổi, điều chỉnh lại kháng sinh phù hợp.

“Khi bệnh nhân ổn định về hô hấp, nhiễm khuẩn nên được hội chẩn thêm về tình trạng tim bẩm sinh. Khi thực hiện hội chẩn từ xa các bác sĩ tuyến dưới nên quay lại video siêu âm tại chỗ và truyền sóng hình ảnh đến trung tâm, việc này sẽ giúp các bác sĩ tuyến trên chẩn đoán chính xác hơn, đưa ra được phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhi”- Theo Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam nhấn mạnh

THU THƯƠNG

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-nhi-nang-khong-con-phai-chuyen-vien-den-tphcm-n180628.html