Bệnh nhân tố cáo trên mạng xã hội, bệnh viện họp báo khẳng định 'đúng quy trình'

Nữ bệnh nhân bức xúc cho rằng, cùng đến khám và điều trị tại một bệnh viện nhưng có hai kết luận hoàn toàn trái ngược nhau. Ban đầu bác sĩ kết luận không có thai, sau đó bệnh nhân bị băng huyết lại nói 'do sảy thai'.

Không có thai, nhưng chẩn đoán băng huyết do sảy thai?

Ngày 19/6, bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Ch. đến khám tại bệnh viện Pháp Việt (viết tắt FV, quận 7, TP.HCM). Sau khi thăm khám, siêu âm và thử nước tiểu, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân kết luận, người này không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung và được kê đơn thuốc gồm 10 viên Misoprotol tab 200mcg để đẩy dịch ứ ra ngoài.

Đến 23h cùng ngày, sau khi uống thuốc được bệnh viện kê đơn, chị Ch. có dấu hiệu băng huyết và được đưa ngay vào bệnh viện FV để cấp cứu. “Sau đi khám và đặt ống dẫn tiểu, bác sĩ chẩn đoán tôi băng huyết do sảy thai và tiến hành test nước tiểu. Và, kết quả lại cho rằng tôi có thai”, chị Ch. cho biết.

Bệnh nhân tố cáo kết quả khám bệnh của mình lên mạng xã hội Facebook.

Bệnh nhân tố cáo kết quả khám bệnh của mình lên mạng xã hội Facebook.

Liên quan đến việc bị nữ bệnh nhân tố cáo trên mạng xã hội, ngày 26/6, bệnh viện FV đã tổ chức họp báo thông tin vụ việc. Theo đó, đại diện bệnh viện cho biết, sau khi đến bệnh viện, bệnh nhân được BS Lê Thanh Hùng, khoa Phụ sản, bệnh viện FV thăm khám và chỉ định thực hiện siêu âm, xét nghiệm nước tiểu.

Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân “không có túi thai, không có phôi thai” mà có một túi dịch với nhiều khả năng là máu đông. Sau đó, bệnh nhân được cho xét nghiệm nhanh bằng nước tiểu (que thử thai) và cho kết quả âm tính.

Bác sĩ đã đưa ra 2 phương pháp để tháo lưu máu trong lòng tử cung cho bệnh nhân chọn lựa, bao gồm: Hút và dùng thuốc Misoprostol (một loại prostaglandin để tử cung co bóp, tống máu ra ngoài). Chị Ch. cho biết vì sợ đau nên đã chọn dùng thuốc.

Thông tin về việc vì sao kết quả thử thai của bệnh nhân lại trái ngược hoàn toàn trong cùng một ngày, phía bệnh viện cho rằng, kết quả của phương pháp thử thai bằng que vẫn sẽ có một tỉ lệ rất nhỏ từ 3-5% cho kết quả có thai giả. Việc sai lệch này có thể bị ảnh hưởng do bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.

Bệnh viện cho rằng, việc kết quả sai lệch cũng bị ảnh hưởng do những hoóc môn được sản xuất từ nhau thai đã bị chết lưu. “Sau khi được test nhanh bằng que, bệnh nhân còn được thực hiện siêu âm và kết quả siêu âm không hề phát hiện túi thai và phôi thai. Do đó, việc bác sĩ không chỉ định thực hiện thêm các phương pháp khác nữa là đúng. Bởi, thực chất, thai trong bụng bệnh nhân này đã bị chết lưu từ trước. Nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó”, BS Jean - Marcel Guillon, đại diện bệnh viện FV cho biết.

Bệnh viện làm đúng quy trình?

Phía bệnh viện khẳng định, mặc dù rõ ràng có sự khác biệt trong kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, cho dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, việc điều trị vẫn không thay đổi. Và, việc chấm dứt thai đã hư vào lúc này là cần thiết cho bệnh nhân.

Đại diện bệnh viện FV cho rằng đơn vị làm đúng quy trình.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Kinh doanh bệnh viện FV khẳng định: “Chúng tôi nhấn mạnh việc bệnh viện đã làm đúng quy trình. Bệnh viện cũng đã thành lập hội đồng y khoa để kiểm định và đánh giá về sự việc. Kết luận cho thấy, về vấn đề quy trình thực hiện cũng như đánh giá kết quả xét nghiệm, bệnh viện đã làm đúng”.

Bà Thu cho rằng, những gì bệnh nhân Ch. đăng trên mạng xã hội đã thông tin không đầy đủ, không khách quan, bị bóp méo. “Điều đáng nói, bệnh nhân khai với bác sĩ là đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp ngay sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, trong giấy tóm tắt bệnh án của bệnh nhân lúc ra viện, người này lại yêu cầu chúng tôi bỏ đi dòng chữ ghi nội dung trên. Phía bệnh viện không đồng ý”.

Theo các bác sĩ bệnh viện FV, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định tuy nhiên vẫn còn phải theo dõi và điều trị lâu dài.

Lành Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/benh-nhan-to-cao-tren-mang-xa-hoi-benh-vien-hop-bao-tran-tinh-a375606.html