Bệnh nhân tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), trong 9 tháng đầu năm 2018 có 2.180 ca bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện, trong đó số bệnh nhân đến từ các tỉnh chiếm khoảng 60%.

Bệnh TCM chưa có dấu hiệu dừng lại

Ghi nhận của PV Báo Congluan.vn vào ngày 11/10, tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ đã có hàng chục bé nhập viện điều trị bệnh TCM. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại đây làm việc không ngừng nghỉ, loa thông báo liên tục được phát ra. Các giường bệnh tại đây luôn trong tình trạng quá tải, mỗi giường phải nằm ghép 2-3 bé, cho dù phía bệnh viện đã kê thêm một số giường bệnh bên ngoài hành lang.

Số lượng bệnh nhi mắc TCM chưa có dấu hiệu giảm. Hình chụp tại BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh

Chị Lê Mỹ Thanh đến từ Bến Tre cho biết, "con tôi 14 tháng tuổi cách đây 3 ngày thấy cháu có triệu chứng sốt cao và đưa đi khám bác sĩ tư, nghi cháu bị TCM nên ngay lập tức tôi đưa cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị."

Được hỏi lý do vì sao không để bé điều trị ở Bến Tre, chị Thanh cho biết, "thông qua báo đài thấy nói bệnh TCM đang tăng cao và có trường hợp tử vong do biến chứng, nên khi nghi cháu bị TCM tôi và gia đình quyết định đưa cháu lên đây điều trị cho chắc ăn".

Ngồi với dáng vẻ mệt mỏi, chị Nguyễn Ngọc Minh đến từ huyện Tân Châu (Tây Ninh) có con điều trị trong phòng cấp cứu chia sẻ rằng: Bé nhà tôi năm nay 2 tuổi, cách đây 6 ngày thấy cháu sốt nên đưa cháu đến bệnh viện huyện khám và được các bác sĩ tại đây chẩn đoán cháu bị viêm họng và điều trị sau 2 ngày không thấy đỡ. Thấy tình trạng ngày càng nặng thêm, cứ 2 tiếng lên cơn sốt và co giật cùng với đó thấy cháu nổi bọng nước trong miệng, nghi bị TCM nên gia đình lập tức đưa xuống BV Nhi Đồng 1 nhập viện. Ngay lập tức cháu được chuyển vào phòng cấp cứu vì nghe bác sĩ ở đây nói bé nhà tôi đã bị bệnh TCM nặng độ 3.

Tương tự, bé N.T.L 14 tháng tuổi (ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật liên tục... Đến khi đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 thì bệnh đã ở cấp độ 4, phải chống sốc, thở máy, lọc máu… Theo mẹ của bé, trước khi nhập viện cấp cứu 3 ngày bé đến khám tại đây và được cho về điều trị ngoại trú.

Không để bệnh TCM bùng phát bất ngờ

Trước đó, tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Tay chân miệng và Sởi khu vực phía Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh năm nay tương đối ổn định, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, Cục Y tế Dự phòng đã chủ động đi trước để dịch bệnh không bùng phát.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh rằng, vấn đề đối với bệnh TCM và bệnh sởi muốn phòng chống có hiệu quả rất mong các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền cho ngay hệ thống chính quyền hiểu và thực sự vào cuộc để giải quyết vấn đề tiêm chủng, vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường học.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo rằng, đối với bệnh TCM, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 1-3 tuổi. Từ tháng 9 đến nay, các ca mắc tăng nhanh tại 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Thơ. Với căn bệnh này, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trước tình trạng bệnh nhân TCM tăng cao trong tháng 9. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chủ động phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhiệt Đới cho phân lập xét nghiệm chủng virus. Qua đó, nhận thấy chủng virus EV71 chiếm tỷ lệ cao, đặc biêt tuýp C4 giống với chủng virus gây ra vào năm 2011.

Ông Quang khuyến cáo rằng: Người dân không nên quá lo lắng đối với bệnh TCM, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phát hiện bệnh TCM sớm và kịp thời đưa tới bệnh viện để điều trị kịp thời. Bởi vì hiện nay hầu hết các bệnh viện đã chủ động chuẩn bị về phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đưa ra, cùng với đó trang thiết bị và thuốc men hiện đại nên đã rất thành công trong điều trị các trường hợp mắc bệnh TCM nặng.

Yên Nội

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/benh-nhan-tay-chan-mieng-chua-co-dau-hieu-giam-46483