Bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú: Không coi nhẹ điều trị

Thời gian gần đây, trong cả nước và trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ người tâm thần gây án, để lại hậu quả thương tâm. Để ngăn ngừa tình trạng này cần phải có biện pháp quản lý, chăm sóc điều trị người bệnh tâm thần hiệu quả.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại BV Tâm thần tỉnh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại BV Tâm thần tỉnh.

NHỮNG CÁI CHẾT OAN UỔNG

Gần đây nhất, ngày 17-4, Huỳnh Văn Chủng (SN 1976, ngụ TP.Hồ Chí Minh), lái xe bán tải BKS 51C-952.29 gây tai nạn khiến Đại úy Chu Quang Sáng (cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh) tử vong. Đồng thời Chủng dùng rìu trong xe chém bị thương người đi đường. Được biết, Chủng có sổ điều trị bệnh tâm thần ngoại trú từ năm 2006-2007. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh, người trực tiếp thăm khám cho Chủng cho biết, theo như người nhà cung cấp thì Chủng vẫn đang phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần ngoại trú, tuy nhiên 6 tháng nay Chủng không uống thuốc điều trị.

Hay trường hợp người mẹ mắc bệnh tâm thần sát hại con ruột 33 ngày tuổi xảy ra ở huyện Thạch Thất, Hà Nội vào tháng 6-2017. Điều đáng nói là người mẹ bị bệnh trầm cảm sau khi sinh con trong thời gian hơn 1 tháng nhưng gia đình không hay biết để đưa chị đi chữa trị cho đến khi sự việc xảy ra.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tại BV Tâm thần tỉnh.

Từ 2 vụ việc nói trên, có thể thấy nguyên nhân khiến cho bệnh nhân tâm thần có điều kiện gây án, đó là người mắc bệnh tâm thần nhưng không được đưa đi điều trị, hoặc không biết để điều trị. Theo các bác sĩ BV Tâm thần tỉnh, hiện nay nhiều người khi mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng bản thân không biết, người thân cũng không biết, lâu dần bệnh tiến triển nặng khiến việc điều trị khỏi gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu điều tra của BV Tâm thần tỉnh, ước đoán trên toàn tỉnh có khoảng 0,3% dân số mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng bệnh nhân tâm thần được phát hiện cao hơn nhiều.

Nguyên nhân thứ hai là người bệnh tâm thần tái phát do không tuân thủ điều trị tốt. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, BV Tâm thần tỉnh cho biết, bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú nếu không tuân thủ phác đồ điều trị thì bệnh rất dễ bị tái phát dù đã điều trị ổn định. Đây là vấn đề đang rất đáng lo ngại, bởi tình trạng bệnh nhân tâm thần bỏ điều trị hoặc không tuân thủ điều trị vẫn tiếp diễn.

Hiện BV Tâm thần tỉnh đang quản lý điều trị cho hơn 4.300 bệnh nhân tâm thần; trong đó, có hơn một nửa là bệnh nhân tâm thần phân liệt. Trong số này có gần 5% bệnh nhân bỏ điều trị. Trong khi đó, việc bỏ dở điều trị lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến kháng thuốc, khiến cho việc điều trị lâu dài và khó khăn hơn rất nhiều. Nguy hiểm hơn là việc bỏ điều trị khiến bệnh tái phát gây ra hoang tưởng ảo giác cho người bệnh và có những hành vi gây hại cho người khác và cho chính mình.

TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bình, đối với bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là bệnh tâm thần phân liệt, việc tuân thủ điều trị là quan trọng nhất. Những trường hợp bệnh tâm thần nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Sau khi ổn định, bệnh nhân được điều trị ngoại trú tại cộng đồng, dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ y tế tại trạm y tế địa phương. Về phía gia đình phải phối hợp chặt chẽ với BV để quản lý, giám sát bệnh nhân; tuân thủ tốt hướng dẫn của bác sĩ quy trình hỗ trợ, quản lý bệnh nhân giúp cho họ tái hòa nhập, không gây tổn thương cho cộng đồng. Ngoài ra, nếu thấy người thân có biểu hiện bị tâm thần nên đưa họ tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi để sớm phát hiện bệnh và điều trị. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát.

Về việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng, bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc BV Tâm thần tỉnh cho biết, nhiều năm qua, BV đã triển khai chương trình Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Nhờ đó, bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng được phát hiện sớm qua khám sàng lọc và được đưa vào quản lý, điều trị với những biện pháp phù hợp. Bệnh nhân không chỉ được chữa bệnh mà còn được tư vấn, phục hồi chức năng tâm lý xã hội ngay tại gia đình và nơi sinh sống. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà tiếp tục uống thuốc điều trị tại gia đình dưới sự theo dõi của trạm y tế xã.

Tuy nhiên dù đã nỗ lực tìm giải pháp nhưng đến nay BV Tâm thần tỉnh vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực, hiện vẫn còn thiếu 24 bác sĩ so với nhu cầu. Đây là khó khăn mà BV đang gặp phải trong công tác điều trị, quản lý bệnh nhân tâm thần. “Việc thiếu bác sĩ ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân tâm thần”, bác sĩ Phong nói.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201905/benh-nhan-tam-than-dieu-tri-ngoai-tru-khong-coi-nhe-dieu-tri-853249/