Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến ở Tây Nguyên

Theo số liệu thống kê của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay, các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đã tăng đột biến. Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên khuyến cáo, hiện Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa năm 2019, thời tiết, khí hậu thuận lợi cho muỗi phát triển nên tình hình bệnh SXH trong thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Thời gian gần đây, hàng ngày có hàng chục bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám, điều trị.

Thời gian gần đây, hàng ngày có hàng chục bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám, điều trị.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, tính đến ngày 10-7, toàn tỉnh đã phát hiện 152 ổ dịch tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố với hơn 3.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó riêng tháng 6 là 3.200 trường hợp, tăng hơn bảy lần so với cùng kỳ năm 2018. Các trường hợp mắc bệnh tập trung nhiều tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột với trên 1.300 trường hợp; huyện Buôn Đôn trên 450 trường hợp, huyện Krông Năng với 430 trường hợp, huyện Krông Búc 290 trường hợp, huyện Cư M’gar 260 trường hợp và huyện Krông Ana 240 trường hợp…

Tại tỉnh Đác Nông, tính đến đầu tháng 7-2019, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.300 trường hợp mắc SXH tại tất cả tám huyện, thị xã, tăng 11,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tại tỉnh Gia Lai, phát hiện gần 2.000 trường hợp mắc SXH; tỉnh Kon Tum hơn 200 trường hợp mắc SXH... Tuy nhiên, tại các địa phương đều chưa có trường hợp nào tử vong do SXH.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, bác sĩ Phạm Văn Lào, cho biết, thông thường các năm trước tại Đác Lắc trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân mắc SXH chỉ giao động từ 1.000-1.200 trường hợp. Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, số lượng bệnh nhân SXH đã tăng đột biến trên 3.200 trường hợp và đang có dấu hiệu tăng nhanh, nếu không khống chế kịp thời có thể dẫn đến dịch SXH bùng phát mạnh. Điều đáng lo lắng là, hiện nay, Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa năm 2019 nên điều kiện thời tiết, khí hậu rất thuận lợi cho muỗi phát triển, dự báo tình hình dịch SXH trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn nhiều.

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Thiện Hạnh, TP Buôn Ma Thuột.

Trong những ngày gần đây, theo ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và các huyện của tỉnh Đác Lắc, số bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị tăng đột biến. Tại Khoa Nội Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, TP Buôn Ma Thuột, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân mắc SXH, tăng gấp 7-8 lần so với năm 2018. Chỉ tính từ đầu tháng 6-2019 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, khám, điều trị cho gần 500 trường hợp mắc SXH.

Bác sĩ Nguyễn Danh Toàn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh khuyến cáo: Bệnh SXH chủ yếu phát sinh do muỗi đốt nên cách phòng ngừa tốt nhất là ngăn chặn bằng cách “không có loăng quăng, bọ gậy là không có SXH”. Vì vậy, mọi người dân cần thu dọn vệ sinh môi trường chung quanh nhà ở sạch sẽ, xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước ứ đọng để muỗi không còn nơi sinh sản nhằm chủ động phòng tránh muỗi đốt, đây là cách phòng, chống SXH tốt nhất.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, hơn một tháng nay luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH. Nhiều trường hợp phải nằm ghép hai bệnh nhân trên một giường. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, khoa đã điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc SXH, mỗi ngày có hàng chục trường hợp mới nhập viện. Hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa ở Tây Nguyên nên lượng bệnh nhân nhập viện điều trị liên tục tăng, và dự báo bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lượng bệnh nhân tăng nhanh, trong khi nhân lực tại khoa còn thiếu đã khiến cho các y, bác sĩ gặp nhiều áp lực.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu, môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội khá đặc thù nên công tác phòng, chống SXH gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ở nhiều thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay, đồng bào vẫn giữ tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để trữ nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti, lăng quăng, bọ gậy phát triển.

Đặc biệt, ở khu vực Tây Nguyên, diện tích cây cao-su khá lớn, người dân khi khai thác, các chén đựng mủ thường không được xử lý triệt để sẽ là nơi cư trú, sinh sôi lý tưởng của bọ gậy, loăng quăng. Bên cạnh đó, ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh SXH nói riêng.

Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm vào cuộc để cùng ngành Y tế phòng, chống SXH trên địa bàn. Công tác truyền thông chưa kịp thời và chủ động, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú nên các thông tin về phòng, chống SXH chưa đến được với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Công tác giám sát và xác minh ổ dịch, xử lý ổ dịch có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời...

Theo nhận định của ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên, tình hình bệnh SXH trong thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường do hiện nay Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, thời tiết, khí hậu rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở. Nếu không có biện pháp phòng ngừa tốt sẽ dễ biến thành dịch lớn. Vì thế, các địa phương phải tập trung toàn bộ các nguồn lực để phòng, chống SXH ngay từ bây giờ.

Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết: Năm 2016, toàn tỉnh có 3.433 ca mắc SXH, theo kinh nghiệm thì sau chu kỳ ba năm dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại là rất cao. Để phòng, chống dịch bệnh SXH, từ đầu năm đến nay tỉnh Kon Tum đã tổ chức phun 233 đợt hóa chất; 10/10 huyện, thành phố đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Thành lập 703 đội xung kích phòng, chống bệnh SXH tại các xã, phường, thị trấn để vận động và cùng với người dân thực hiện công tác diệt lăng quăng, bọ gậy tại các thôn, làng, tổ dân phố; tổ chức 489 lượt dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm đáp ứng đầy đủ về cơ sở thu dung, phương tiện, trang thiết bị, thuốc... sẵn sang cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn.

Ngành y tế Đác Lắc chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc, hóa chất, vật tư... để phòng, chống SXH.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành Y tế tỉnh Đác Lắc đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác phòng, chống bệnh SXH từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị nhằm chủ động ứng phó với tình hình bệnh SXH tăng nhanh; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương, đặc biệt tại các khu vực đã xuất hiện các ổ dịch SXH. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế Đác Lắc thì mọi người dân cần chủ động trong phòng, chống SXH, tăng cường dọn dẹp các dụng cụ có thể chứa nước tại gia đình, nơi công cộng để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi. Đồng thời tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch SXH.

Không chỉ riêng tỉnh Kom Tum và Đác Lắc mà thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh SXH đang gia tăng đột biến, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2019, phòng chống SXH. Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương và quyết liệt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; xử lý các ổ dịch SXH, phun diệt muỗi SXH và diệt loăng quăng, bọ gậy triệt để tại ổ dịch; tăng cường giám sát chỉ số mật độ muỗi và lăng quăng, bọ gậy; phun chủ động diệt muỗi khu vực nguy cơ cao và đủ điều kiện...

Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng kiện toàn lại các đội xung kích tại các thôn, buôn, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động và cùng người dân thực hiện, duy trì công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông như trực tiếp tại hộ gia đình, khu dân cư, tuyên truyền lưu động, trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết các dấu hiệu mắc bệnh, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh SXH.

Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ... để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống khi bệnh SXH bùng phát thành dịch lớn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/40846302-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tang-dot-bien-o-tay-nguyen.html