Bệnh nhân nhí 'chết não' bất ngờ tỉnh lại trước giờ hiến tạng

Ở nước Mỹ vừa rồi có câu chuyện về sự kỳ diệu của cuộc sống con người, nhưng đồng thời qua đó cũng nói lên sự bất cập tai hại của cả luật và lệ.

Cậu bé Trenton McKinley

Cậu bé Trenton McKinley

Chuyện xảy ra ở thành phố Mobile County của nước Mỹ. Cậu bé 13 tuổi Trenton McKinley ngồi trên một khoang kéo của xe đạp chơi với bạn. Người bạn này đi xe rất nhanh rồi đột ngột phanh lại. Cái khoang đẩy lật nhào và cậu bé bị ngã đập đầu xuống nền đường rải asphalt. Cậu bé bị bất tỉnh nhân sự suốt hai tháng liền.

Trong bệnh viện, các thầy thuốc cho rằng cậu bé đã bị chết não và không còn có khả năng phục hồi. Bố mẹ cậu bé quyết định hiến tạng của cậu bé cho năm người khác. Một ngày trước khi cuộc phẫu thuật để lấy tạng được tiến hành thì cậu bé tỉnh lại.

Điều kỳ diệu ở đây là cậu bé còn kịp thời tỉnh dậy trước khi bị phẫu thuật. Còn tỉnh dậy được như thế có nghĩa là cậu bé chưa hoàn toàn chết não, tức là vẫn còn sống theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của khái niệm, tức là không phải hôm ấy mà rất có thể cả sau này nữa, bao nhiêu lâu thì không thể biết, cậu bé vẫn có khả năng tỉnh lại.

Nhưng chỉ cần đợi thêm một ngày nữa mới tỉnh lại thì cậu bé không còn cơ hội nào để tỉnh lại. Cậu bé sẽ bị phẫu thuật ngay trong tình trạng vẫn còn sống để hiến tạng.

Trenton McKinley trả lời câu hỏi sau khi tỉnh lại

Cũng chính vì thế mà câu chuyện về trong luật và lệ hiện hành tồn tại những bất cập và lỗ hổng tai hại mới bùng phát mạnh mẽ ở nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Hiến tạng là hành động nhân văn cao cả, rất đáng được trân trọng và tôn vinh.

Mục đích cao thượng của hiến tạng là cứu sống cuộc sống chứ không phải để chấm dứt cuộc sống. Tức là khi người hiến tạng qua đời thật hoặc hoàn toàn chắc chắn là không còn chút cơ hội sống nào nữa thì việc tiến hành giải phẫu để lấy tạng mới thật sự hợp luật và đúng lệ.

Luật ở đây là sự cho phép của pháp luật. Sự cho phép này đảm bảo tính hợp pháp của việc giải phẫu cơ thể con người của ai đó để lấy tạng cấy vào cơ thể của người khác. Luật cho phép tận dụng cái chết không còn có thể tránh khỏi được nữa của một con người, để cứu mạng sống của một con người khác mà sẽ không thể sống được nữa nếu không được ghép tạng.

Luật không ép buộc hiến tạng mà mở ra cho tất cả một cái lệ là sẵn sàng và đồng ý hiến tạng. Cái bất cập của luật ở đây là dừng lại ở đó; trong khi lẽ ra phải có những quy định cụ thể hơn nữa kèm theo để đảm bảo chẳng hạn như những người như cậu bé trên kia không bị giải phẫu lấy tạng khi chưa phải thực sự đã chết và khi vẫn còn khả năng để được cứu chữa.

Cái lệ ở đây là chỉ cần xác định cậu bé không còn có thể tỉnh lại và đã chết não vĩnh viễn là đã đủ để quyết định thời điểm tiến hành phẫu thuật lấy tạng. Ở đây không có gì đáng phải phàn này hay phê trách gì các thầy thuốc.

Họ có chuyên môn nhưng cũng chỉ là con người chứ không phải thánh thần. Họ quyết định và hành động theo lương tâm nghề nghiệp, trình độ và kinh nghiệm. Dù vậy, câu chuyện này cũng vẫn cho thấy là ở đây rõ ràng chỉ như thế không thôi, vẫn còn thiếu vắng sự chắc chắn hoàn toàn.

Bản chất của cái bất cập của cả luật và lệ này là xác định rõ ràng và cụ thể đâu là ranh giới của sự sống và cái chết, là việc định nghĩa chuẩn xác hơn cả về khoa học lẫn tâm lý sự sống và cái chết. Chỉ khi trả lời được đúng đắn những câu hỏi ấy thì việc quyết định thời điểm giải phẫu để lấy tạng mới thật sự là hành động để cho cái chết vẫn còn có thể làm được điều vô cùng hữu ích là duy trì sự sống.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/benh-nhan-nhi-chet-nao-bat-ngo-tinh-lai-truoc-gio-hien-tang-395013.html