Bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19 được điều trị thế nào?

Các bác sĩ Trung Quốc ở tâm dịch Vũ Hán công bố báo cáo khoa học mô tả chi tiết quy trình điều trị hồi sức tích cực cho những bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ Trung Quốc, những người chống dịch Covid-19 ở tiền tuyến tại Vũ Hán thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh tháng 2.

Đây là nghiên cứu đầu tiên mô tả đầy đủ quá trình tiếp cận lâm sàng, điều trị và tỷ lệ tử vong của một nhóm bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Washington Post, nghiên cứu đang là báo cáo y tế được đọc nhiều nhất bởi những nhân viên chăm sóc sức khỏe trong các đơn vị hồi sức tích cực trên khắp thế giới, những người đang phải điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Các bác sĩ ở Mỹ và châu Âu cho rằng báo cáo này hết sức có giá trị, vì nó bao gồm quá trình phát triển chi tiết của bệnh ở những bệnh nhân nguy kịch.

 Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nguy kịch tại phòng hồi sức tích cực của một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nguy kịch tại phòng hồi sức tích cực của một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

Những thông tin quý giá

Những bệnh nhân này, chiếm số lượng nhỏ, được điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện Kim Ngân Đàm ở thành phố Vũ Hán trong tháng đầu tiên của đợt bùng phát, từ cuối tháng 12/2019 đến đầu tháng 1.

Các tác giả nghiên cứu theo dõi sự cấu thành của các triệu chứng đe dọa đến tính mạng, những loại thuốc được sử dụng điều trị, giúp bệnh nhân chống lại sự tấn công của nhiễm trùng phổi, cách bổ sung oxy và cuối cùng là kết quả - bệnh nhân sống sót hay qua đời trong phòng hồi sức tích cực.

Kết luận của báo cáo: Đối với những bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona, những người có tình trạng bệnh nặng, viêm phổi và phải đưa vào phòng hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong là cao. Trong số 52 người được đưa vào khoa này của bệnh viện Kim Ngân Đàm, 32 người đã tử vong trong vòng 28 ngày thống kê, một tỷ lệ lên tới 61%. Hầu hết qua đời trong vòng 7 ngày sau khi được đưa vào ICU.

Để so sánh, tỷ lệ tử vong thường dao động trong khoảng từ 30 đến 40% đối với những bệnh nhân nhiễm cúm mùa thông thường, dù họ đang phải chiến đấu với viêm phổi và hội chứng suy hô hấp cấp trong ICU.

Các chuyên gia bên ngoài ca ngợi quy trình điều trị được các bác sĩ Trung Quốc thực hiện đối với bệnh nhân nguy kịch, cho rằng mức độ chăm sóc tương tự có thể được tìm thấy ở những ICU ở Mỹ và châu Âu.

Cũng giống như những bác sĩ Trung Quốc trước đây, các nhân viên y tế ở Hàn Quốc và Italy đang chứng kiến ICU của họ chứa đầy những bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19. Ở Lodi, miền Bắc Italy, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đã chia sẻ với Washington Post rằng virus corona tấn công giống như cơn sóng thần ập vào bệnh viện của ông, nơi đang có 100 trong số 120 người nhiễm virus bị viêm phổi.

Những bác sĩ và chuyên gia y tế ở Mỹ và châu Âu được Washington Post phỏng vấn, những người đã đọc nghiên cứu dài 7 trang của bác sĩ Yang Xiao Bo và đồng nghiệp, cho rằng họ có thể tưởng tượng được khung cảnh tại phòng ICU của bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán là căng thẳng như thế nào.

"Họ đã có một sự bùng phát số ca nhiễm ở Trung Quốc, khiến cho các bệnh viện bị quá tải", bà Kristina Crothers, chuyên gia phổi và chăm sóc tích cực, giáo sư y khoa tại Đại học Washington, nhận định.

Ông James Chalmers, giáo sư lâm sàng tại Trường Y thuộc Đại học Dundee, Scotland, thì cho rằng: "Các bác sĩ này đã có những nỗ lực anh dũng để giữ cho bệnh nhân của họ sống sót. Họ đã làm mọi thứ có thể".

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân tử vong ra khỏi một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AP.

Không có liệu pháp cụ thể hay vắc-xin cho virus corona, vì vậy các bác sĩ và y tá ở ICU chỉ có thể sử dụng thuốc và oxy để giữ cho bệnh nhân sống sót, đủ lâu để cơ thể của họ có thể chiến đấu với sự nhiễm trùng, và tái tạo các phần phổi bị hủy hoại do viêm.

Khi virus tấn công phổi, bệnh nhân sẽ nhận được nhiều oxy hơn vào máu để hỗ trợ thận, gan và tim.

Trong những trường hợp xấu nhất tại phòng ICU của bệnh viện, viêm phổi đã dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính, còn được gọi là ARDS, tức là phổi đã viêm tới mức đe dọa tính mạng.

Trong số 52 bệnh nhân nguy kịch, hầu hết đều phải được bổ sung oxy - 37 người phải sử dụng máy thở.

Rủi ro quá tải với hệ thống y tế

Gần đây, WHO gửi một nhóm các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để điều tra quá trình lâm sàng và điều trị bệnh nhân, bao gồm cả những người bị bệnh nặng. Họ phát hiện ra rằng khoảng 5% số ca nhiễm bệnh cần thở máy, 15% cần được cung cấp oxy nồng độ cao.

Báo cáo của WHO và nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc cho thấy những bệnh nhân tử vong là người lớn tuổi và có các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường không kiểm soát, huyết áp cao, bệnh hô hấp.

WHO báo cáo rằng đang có 45 bệnh viện hoạt động ở Vũ Hán. Các chuyên gia lưu ý rằng 80% những người nhiễm virus chỉ bị bệnh nhẹ, nhưng những người bệnh nặng nhất cần được bổ sung oxy để phục hồi, và thời gian phục hồi kéo dài từ 3 đến 6 tuần.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng "khối lượng và thời gian của các phương pháp điều trị đã làm quá tải nhiều lần hệ thống chăm sóc y tế hiện có ở Vũ Hán".

Việc số bệnh nhân viêm phổi nặng tăng đột ngột sẽ vượt khả năng phục vụ của các đơn vị ICU ở nhiều quốc gia, cũng như vượt quá số máy thở mà các bệnh viện sở hữu. Ở phía Bắc Bán cầu, sự bùng phát virus corona đang trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm.

Các bác sĩ Trung Quốc đã cho bệnh nhân nguy kịch dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng thứ cấp, và thuốc chống siêu vi, bao gồm các loại thuốc đang được thử nghiệm. Họ cũng đã thử dùng kháng thể và steroid.

"Họ liên tục mất các bệnh nhân. Họ đã cố gắng hết sức. Họ đã dùng mọi cách có thể. Họ đã làm những điều đúng đắn, những điều có thể sẽ giúp và không làm hại", ông Charles Dela Cruiz, phó giáo sư về chăm sóc phổi tại Trường Y Yale, nhận định.

Việc bệnh nhân tăng vọt trong thời gian ngắn đã khiến cho các phòng hồi sức tích cực ở Vũ Hán trở nên quá tải. Ảnh: AFP.

Báo cáo của Trung Quốc về 52 bệnh nhân nguy kịch không liệt kê nguyên nhân tử vong của 32 bệnh nhân trong số này.

Nhưng các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm điều trị viêm phổi nghiêm trọng và ARDS cho rằng, các nhân viên y tế Trung Quốc đã thấy bệnh nhân của họ bị viêm phổi do tràn dịch, huyết áp giảm xuống một cách nguy hiểm và suy đa tạng, trước khi ngừng hoạt động vì thiếu oxy.

Cận cảnh Vũ Hán trước và sau dịch Covid-19 Trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), đường phố tại đây khá nhộn nhịp và nhiều du khách thường đến ghé thăm, khác hẳn vẻ hoang vắng so với hiện tại.

Sơn Trần
(theo Washington Post)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/benh-nhan-nguy-kich-vi-covid-19-duoc-dieu-tri-the-nao-post1056786.html