Bệnh nhân nặng có nguy cơ suy dinh dưỡng cần sàng lọc, can thiệp dinh dưỡng sớm

Theo các bác sĩ, dinh dưỡng trong điều trị bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các bệnh nhân nặng, hồi sức tích cực có thời gian điều trị kéo dài. Can thiệp dinh dưỡng sớm và hợp lý giúp mang lại hiệu quả điều trị thiết thực cho người bệnh.

ThS.BS Dương Vương Trung - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện cho biết: Vấn đề sàng lọc, can thiệp về dinh dưỡng đối với người bệnh hiện đang được nhiều bệnh viện quan tâm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã chỉ ra những nguy cơ của suy dinh dưỡng đối với bệnh nhân điều trị trong bệnh viện cũng như hiệu quả đạt được của can thiệp dinh dưỡng lâm sàng.

Chính vì thế, các trung tâm, bệnh viện lớn trên thế giới và trong nước cũng đã có những nghiên cứu và áp dụng phác đồ can thiệp dinh dưỡng lâm sàng cho người bệnh, góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các bệnh viện đã triển khai thực hiện can thiệp dinh dưỡng và thực tế điều trị, chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện, nhóm nghiên cứu gồm bác sĩ, cử nhân của Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Dinh dưỡng đã phối hợp, tập trung thực hiện đề tài nghiên cứu "Sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng cho các bệnh nhân nặng".

Dựa trên kết quả theo dõi, đánh giá toàn bộ số người bệnh nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu trong năm 2020, các bác sĩ nhận thấy: Tỷ lệ người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng là 54,3%, trong đó tỷ lệ nguy cơ suy dinh dưỡng cao là 22,8%. Hầu hết người bệnh điều trị tại khoa đều là các bệnh nhân nặng, qua sàng lọc sẽ nhận biết được những người có nguy cơ suy dinh dưỡng cao cần can thiệp về dinh dưỡng. Can thiệp ở đây theo một cách hiểu thông thường đó là cho người bệnh ăn uống những loại chất dinh dưỡng gì, cách cho ăn như thế nào để đạt được năng lượng và tiêu chí về điều trị.

Bên cạnh đó, việc dùng những loại dinh dưỡng nào và thành phần ra sao đều có những công thức riêng. Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nếu không chú trọng vấn đề này này thì việc cho ăn có thể không đủ năng lượng hoặc người bệnh khó có thể dung nạp, thậm chí có thể gây nguy hiểm.

Với việc sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi nhập viện điều trị, tuân thủ theo phác đồ chuẩn nên những người bệnh được can thiệp dinh dưỡng đều có sự cải thiện về lâm sàng.

Nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân để có chỉ định can thiệp dinh dưỡng phù hợp.

Nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân để có chỉ định can thiệp dinh dưỡng phù hợp.

Cần sàng lọc, can thiệp dinh dưỡng ở tất cả các khoa điều trị

Theo ThS.BS Dương Vương Trung, khi người bệnh nhập viện, các điều dưỡng của khoa sẽ phân loại, đánh giá bằng công cụ sàng lọc. Bệnh nhân nào có nguy cơ suy dinh dưỡng, cần can thiệp dinh dưỡng thì bác sĩ điều trị, điều dưỡng và cử nhân dinh dưỡng sẽ hội chẩn đưa ra các quyết định can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.

Từ việc ăn thức ăn gì, hàm lượng dinh dưỡng ra sao, cách thức cho ăn bằng đường nào, qua sonde dạ dày hay kết hợp cả qua sonde dạ dày với dinh dưỡng đường tĩnh mạch và một số biện pháp khác sẽ được thực hiện. Tiếp đến, khi thực hiện can thiệp dinh dưỡng thì điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh là người trực tiếp thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ can thiệp dinh dưỡng.

Thường xuyên theo dõi biểu hiện dung nạp cụ thể của từng người bệnh, thông báo với các bác sĩ để có những phương án thay đổi, điều chỉnh hợp lý về chế độ dinh dưỡng. Hàng tuần đều có kiểm tra, đánh giá bằng cân nặng cụ thể của từng bệnh nhân ngay tại giường. Trên cơ sở những đánh giá này, bác sĩ sẽ có những chỉ định về theo dõi cận lâm sàng để thấy được hiệu quả can thiệp dinh dưỡng.

"Việc đánh giá tiến triển đối với dinh dưỡng không phải là ngày 1 ngày 2, theo khuyến cáo của Hiệp hội dinh dưỡng châu Âu và Châu Á thì phải sau khoảng 5 đến 7 ngày mới có thể biết hiệu quả của can thiệp dinh dưỡng có tiến triển tốt hay không. Thông thường, kết quả này được thể hiện qua cân nặng, đo vòng cánh tay, xét nghiệm prealbumin… của người bệnh" - ThS.BS Dương Vương Trung cho hay.

Một bệnh nhân nặng được can thiệp dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, bệnh nhân nặng có nguy cơ suy dinh dưỡng cần được can thiệp dinh dưỡng sớm, cụ thể cần đạt mức năng lượng 25-35 kcal/kg/ngày và mức protein 1,2 - 2,0 g/kg/ngày cho các bệnh nhân nặng trong quá trình điều trị. Nên dùng chỉ số Prealbumin để đánh giá hiệu quả của việc can thiệp dinh dưỡng hơn là dùng các chỉ số cân nặng, albumin.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết nên áp dụng việc sàng lọc và can thiệp dinh dưỡng tại tất cả các khoa có người bệnh điều trị nội trú. Bởi điều này mang lại lợi ích và hiệu quả điều trị đáng kể cho người bệnh. Khi người bệnh được kiểm tra, sàng lọc và tư vấn kỹ chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, điều kiện sức khỏe thực tế cũng như bệnh lý thì bản thân người bệnh và người nhà sẽ biết mình nên ăn gì, ăn như thế nào sẽ đảm bảo chế độ về dinh dưỡng. Từ đó tuân thủ theo một chế độ ăn hợp lý, không còn tự ý ăn uống làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Thực tế cho thấy, không riêng ở Khoa Hồi sức cấp cứu mà ở các khoa khác vẫn có một tỷ lệ nhất định người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng. Chính vì thế, việc sàng lọc và nhận ra những người bệnh cần can thiệp dinh dưỡng là cần thiết đối với tất cả các khoa điều trị.

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-nang-co-nguy-co-suy-dinh-duong-can-sang-loc-can-thiep-dinh-duong-som-n185495.html