Bệnh nhân mắc Covid-19 dương tính trở lại: Chưa rõ nguyên nhân

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã phát hiện những ca bệnh Covid-19 sau khi điều trị khỏi lại có xét nghiệm dương tính trở lại với SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, cụ thể là các trường hợp bệnh nhân người Anh - BN 22; nữ nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh - BN 188, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được công bố điều trị khỏi và xuất viện. Bên cạnh đó là trường hợp BN 50 đang điều trị tại Quảng Ninh, sau 2 lần có xét nghiệm âm tính đã dương tính trở lại.

Nêu giả thiết về các trường hợp này, giới chuyên gia Việt Nam cho rằng, nguyên nhân có thể là: Bệnh nhân đã hết virus, đã khỏi, nhưng do miễn dịch đối với loại virus này không bền vững, nên cơ thể không còn kháng thể nữa và rồi bị nhiễm trở lại bởi chủng đó. Hoặc do bị tái nhiễm, nhưng ở một tuýp SARS-CoV-2 khác, thậm chí bởi một chủng virus corona khác. Hoặc không loại trừ sai sót của xét nghiệm trước khi bệnh nhân ra viện, hoặc ngay cả sau đó - tức là khi làm xét nghiệm lại.

Không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19.

Không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19.

Quá sớm để khẳng định nguyên nhân của hiện tượng dương tính trở lại

Các chuyên gia hiện nay nghĩ nhiều về giải thiết rằng, điều trị đã đạt được kết quả, nhưng virus vẫn còn với nồng độ virus quá thấp, dưới ngưỡng phát hiện của kỹ thuật sử dụng làm xét nghiệm. Nên chỉ sau một thời gian ngắn virus đã nhân lên, vì vậy, xét nghiệm cho thấy dương tính trở lại.

Hiện điều trị Covid-19 là còn quá mới mẻ, các phác đồ điều trị cơ bản vẫn không phải là phác đồ đặc hiệu, thuốc trực tiếp diệt virus, vaccine đều chưa có. Bởi vậy, có thể “khỏi” là hết các triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống, chứ không có nghĩa là đã tiêu diệt hết virus.

GS. Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Bệnh viện Medlatec nhận định: “Cho đến nay vẫn còn quá sớm để biết hết cơ chế miễn dịch, đặc biệt là sự tồn tại của kháng thể chống lại SARS-CoV-2 có lâu hay không? Vì dịch mới bùng phát trên thế giới trên dưới 3 tháng. Cần phải được theo dõi thêm dài hơn, lâu hơn”.

GS. Nguyễn Anh Trí

Là một chuyên gia xét nghiệm, GS. Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng ở rất nhiều khâu, như: lấy bệnh phẩm không đúng (điều này rất hay gặp, vì lấy mẫu để làm xét nghiệm lấy từ họng và khe tỵ-hầu, nên người bị lấy thường rất khó chịu và phản ứng mạnh, nên lấy không đúng chỗ, không đạt tiêu chuẩn); hoặc bị “nhiễm” bẩn gây ra dương tính giả...

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, hiện tượng dương tính trở lại bước đầu xuất hiện ở Việt Nam khi dịch bệnh mới trải qua gần 3 tháng thì những kết luận do nguyên nhân nào là còn quá sớm.

Đồng quan điểm này PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, khả năng do virus đột biến thành chủng mới, thoát khỏi sự kiểm soát hệ thống miễn dịch đề kháng mới hình thành, thì hiện chưa có bằng chứng nên cần có nghiên cứu thêm để có thể có được kết luận khoa học. PGS.TS Nhung cũng nhấn mạnh nguyên nhân có thể do giới hạn của phương pháp phát hiện, về độ nhạy đặc hiệu, tìm kháng nguyên hay kháng thể, hoặc do vấn đề của lấy mẫu bệnh phẩm đưa ra kết quả âm tính giả.

Khỏi bệnh vẫn phải theo dõi

Đây là vẫn đề hết sức thận trọng. Theo các chuyên gia, bệnh nhân thậm chí vẫn cần theo dõi thêm 6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Việc làm này còn có ý nghĩa để theo dõi đặc điểm miễn dịch của bệnh Covid-19.

“Nếu sự thật là dương tính trở lại hay miễn dịch không bền vững thì đây là mối lo rất lớn, bởi dương tính trở lại thì tình trạng lây lan sẽ nhiều lên chứ không bớt đi khi người bệnh chủ quan sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, với những người dù đã được công bố khỏi bệnh vẫn nên tiếp tục cách ly và theo dõi y tế và làm xét nghiệm lại theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Và dù khỏi bệnh, thỉnh thoảng cũng nên xét nghiệm lại bằng các loại kit theo phương pháp huyết thanh học để theo dõi sự tồn tại của các loại kháng thể, kháng nguyên. Đây không chỉ là vấn đề của y tế dự phòng mà còn giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu việc điều trị bằng cách dùng huyết thanh từ người khỏi bệnh Covid-19 để chữa cho người bị bệnh này nặng”, GS. Nguyễn Anh Trí nhận định.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cũng nhấn mạnh: “Người bệnh cần tiếp tục theo dõi và thực hiện giãn cách mặc dù đã xác định là âm tính hay khỏi bệnh. Giãn cách xã hội hiện nay còn rất cần thiết nhưng thời hạn cần dựa trên bằng chứng khoa học dịch tễ. Chúng ta rất mong chờ vaccine nhưng không phải một sớm một chiều, ít nhất phải hàng năm”.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: SKĐS)

Các chuyên gia lưu ý rằng theo đánh giá dịch tễ, có hai điểm đáng lo ngại nhất với dịch Covid-19 hiện nay. Thứ nhất, dịch ở trên thế giới vẫn đang rất phức tạp như tại Mỹ, châu Âu. Thứ hai, là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng rõ ràng là chưa kiểm soát được, không biết nguồn lây bệnh F0 ở đâu và F0 đã được kiểm soát hay chưa.

Do vậy, dù Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, số ca mắc giảm và không ghi nhận trong nhiều ngày, người dân vẫn cần đề cao ý thức, không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/benh-nhan-mac-covid19-duong-tinh-tro-lai-chua-ro-nguyen-nhan-1039212.vov