Bệnh nhân Lupus ban đỏ có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 không?

Khi thông tin tiêm phòng vaccine ngừa coronavirus được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người bệnh lupus ban đỏ hệ thống đã thắc mắc không biết mình có nên tiêm phòng hay không? Điều này sẽ được PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm, Trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà nội, Trung tâm y khoa số 1, bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Trưởng khoa Dị ứng, Miễn dịch và Da liễu, bệnh viện E trả lời với bạn đọc Báo Sức khỏe & Đời Sống như sau.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ với các đợt cấp là các đợt bệnh ổn định. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm bệnh lupus. Các thuốc chính yếu vẫn là corticosteroid, ức chế miễn dịch, thuốc sinh học v.v…. Thuốc được dùng dài ngày với mục đích kiếm soát bệnh, cho nên, bệnh nhân lupus ngoài các tổn thương của bệnh cũng gặp rất nhiều tác dụng phụ do thuốc. Nguyên nhân tử vong đầu bảng của lupus ban đỏ hệ thống là nhiễm trùng, suy tạng, và tắc mạch.

COVID-19 là đại dịch toàn cầu với mức độ lây lan nhanh chóng và tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt, ở những người lớn tuổi và những người mắc bệnh nền mạn tính. Hiện nay, ở châu Âu và Mỹ đang lưu hành 4 loại vaccine. Mặc dù đã tiêm vaccine chúng ta vẫn phải đảm bảo quy trình nghiệm ngặt phòng ngừa COVID-19 vì phải mất vài tuần sau khi tiêm vaccine cơ thê mới có khả năng bảo vệ trước SARS-Cov2. Cũng không có vaccine nào có khả năng bảo vệ hoàn hảo tuyệt đối, tuy nhiên, vaccine sẽ làm giảm mức độ nặng của bệnh xuống, nếu chẳng may bạn vẫn nhiễm bệnh sau tiêm phòng. Những bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 vẫn được khuyên nên tiếp tục sử dụng vaccine để phòng bệnh, vì miễn dịch tự nhiên đạt được sau nhiễm coronavirus không duy trì lâu dài.

Bộ y tế, đã đưa ra danh sách các bệnh khuyến cáo ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 và Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh cần được ưu tiên này. Bên cạnh lupus ban đỏ hệ thống còn có các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, bệnh mô liên kết v.v.

Vậy cần lưu ý gì trong quá trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.

Theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm, vaccine ngừa coronavirus trước khi được phê duyệt sử dụng rộng rãi trên cộng đồng phải trải qua một quy trình chặt chẽ bao gồm các thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả và mức độ an toàn và quy trình này cần tuân thủ theo các bước chặt chẽ đã được định sẵn từ trước. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng với hàng ngàn người tự nguyện cho thấy vaccine rất an toàn và hầu như không có tai biến hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng về vaccine được thực hiện chủ yếu trên người tình nguyện khỏe mạnh cho nên các nhà khoa học có rất ít dữ liệu về vai trò của vaccine ngừa COVID-19 ở bệnh nhân lupus/ Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy bệnh nhân lupus không nên sử dụng vaccine COVID-19.

Đối với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, đợt cấp của bệnh là những trải nghiệm đáng sợ mà không bệnh nhân nào muốn có. Đợt cấp của lupus xảy ra xen kẽ với các đợt bệnh ổn định. Trong thời điểm này, các triệu chứng của bệnh trở nên xấu hơn, tổn thương nhiều cơ quan hơn và bệnh có xu hướng nặng lên. Vậy trong đợt cấp, có nên tiêm phòng vaccine hay không vẫn là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm.

Biểu hiện thường gặp của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, dễ phát ban đỏ...

Biểu hiện thường gặp của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, dễ phát ban đỏ...

Trả lời vấn đề này, PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm nhấn mạnh, tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ Dị ứng Miễn dịch trong trường hợp này, để được quyết định thời điểm tiêm phòng tốt nhất, có thể khi đợt cấp đã qua và tình trạng của bệnh đã ổn định. Trong quá trình sử dụng vaccine các nhà khoa học cũng khuyến cáo các bệnh nhân lupus không cần ngừng thuốc đang sử dụng để điều trị lupus. Tuy nhiên, cần tư vấn bác sĩ Dị ứng Miễn dich trong trường hợp bạn dùng liều cao Corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch đặc biệt trong trường hợp phối hợp các thuốc ức chế miễn dịch hoặc đang dùng các thuốc sinh học như rituximab. Những bệnh nhân đang trong lộ trình sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nên sớm tiêm phòng vaccine (thời gian lý tưởng là hai tuần trước khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trở về trước ). Rối loạn đông máu là một trong những triệu chứng xảy ra khá phổ biến ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống (khoảng 25-30% các trường hộp) đặc biệt khi bệnh nhân có kèm theo kháng thể kháng phospholipid. Không có chống chỉ định về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở những bệnh nhân này.

Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống thường có hệ miễn dịch suy yếu, một phần do bệnh, một phần do sử dụng thuốc corticosteroid hoặc ức chế miễn dịch, hoặc thuốc sinh học. Trong tình trạng này, có thể cơ thể sẽ không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch hoàn hảo đủ để chống lại coronavirus, cho nên mặc dù đã tiêm phòng vaccine, các bệnh nhân này vẫn nên tuân thủ việc phòng tránh tiếp xúc với môi trường hoặc các cá nhân nhiễm bệnh.

Khánh Mai (ghi)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-lupus-ban-do-co-nen-tiem-vaccine-ngua-covid-19-khong-n187609.html