Bệnh nhân HIV lo ngại lộ danh tính nếu dán ảnh vào thẻ bảo hiểm y tế

Bệnh nhân HIV không có giấy tờ tùy thân, phải dán ảnh vào thẻ BHYT. Quy định này khiến nhiều bệnh nhân HIV lo ngại sẽ bị lộ danh tính và có nguy cơ sẽ bỏ điều trị…

Bác sĩ đang khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV

Khó mua thẻ BHYT vì không có giấy tờ tùy thân

Do không còn nguồn thuốc ARV miễn phí, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giảm mạnh trong những năm gần đây, nên bắt đầu từ tháng 1/2019, BHYT bắt đầu được sử dụng để chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV với chi phí dành cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm là khoảng 6 triệu USD. Trong thời gian 2-3 năm tới, bảo hiểm sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV có tham gia BHYT.

Như vậy, từ năm 2019, thẻ BHYT trở nên vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân HIV nào cũng dễ dàng có được tấm thẻ BHYT để được sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT chi trả. Bởi nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người lao động tự do không đủ giấy tờ pháp lý như hộ khẩu, chứng minh thư, thậm chí có những người không có nơi ở cố định, người di cư không có giấy tờ xác nhận nhân thân khi muốn tham gia BHYT…

Để những bệnh nhân HIV không có giấy tờ tùy thân tiếp cận tốt hơn với chính sách BHYT, ngày 26/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BYT về việc hướng dẫn thực hiện BHYT và khám, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS bằng quy định: Dán ảnh bệnh nhân HIV vào thẻ BHYT thay cho việc phải có giấy tờ tùy thân.

Nói về quy định dán ảnh trên thẻ BHYT, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng, nhiều đối tượng khác tham gia theo Luật BHYT không có giấy tờ tùy thân vẫn làm thẻ có ảnh chứ không riêng người nhiễm HIV/AIDS. “Quy định dán ảnh người bệnh HIV vào thẻ để giúp người bệnh thanh toán được BHYT trong trường hợp họ không có giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, nhiều người bệnh do không muốn lộ danh tính nên họ khai không đúng tên, tuổi, địa chỉ, do vậy khi dán ảnh vào thẻ BHYT sẽ giúp họ được thanh toán BHYT và cơ quan chức năng quản lý được thông tin tốt hơn” – ông Trung nói.

Tuy nhiên, khi đã có thẻ BHYT, bệnh nhân HIV vẫn phải đối mặt với khó khăn khi phải đồng chi trả một phần chi phí điều trị. Và quan trọng hơn, nhiều bệnh nhân lo ngại việc dán ảnh trên thẻ sẽ khiến họ bị lộ danh tính. Như thế, nhiều người sẽ không tham gia BHYT, và nguy cơ bỏ điều trị là rất dễ xảy ra. Việc bỏ điều trị không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, mà còn trở thành nguồn lây và tác động xấu tới xã hội…

Bệnh nhân HIV ngại bị lộ danh tính, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Trước nguy cơ bệnh nhân HIV sẽ bỏ điều trị vì ngại lộ danh tính khi dán ảnh trên thẻ BHYT, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã chia sẻ những biện pháp để giải quyết: "Chúng tôi đã hướng dẫn các cơ quan chức năng, các địa phương cố gắng theo dõi, đôn đốc và có hệ thống giám sát chặt chẽ. Khi không thấy bệnh nhân đến nhận thuốc ARV thì cần tìm hiểu lí do, phải liên lạc và tìm cách thuyết phục bệnh nhân tuân thủ điều trị để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân họ. Chúng tôi cũng tăng cường truyền thông để người nhiễm HIV tự tin hơn, đồng thời để mọi người trong cộng đồng hiểu hơn về bệnh này để không còn kỳ thị với các bệnh nhân HIV. Từ đó, việc bệnh nhân HIV bộc lộ bản thân sẽ dễ dàng hơn…” – ông Long nói.

Rõ ràng, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chính là rào cản khiến các bệnh nhân lo ngại sẽ bị lộ danh tính. Nhằm góp phần giúp mọi người trong xã hội hiểu hơn về HIV và cách phòng, chống căn bệnh này, tại sự kiện K=K (không phát hiện = không lây nhiễm HIV) vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. John Blandford, Giám đốc tổ chức Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. Ông cho biết, HIV không còn là “án tử” nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thuốc ARV.

TS. John Blandford nhấn mạnh: “Nếu người có HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV thì sau 3 tháng, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, virus HIV bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức không còn phát hiện nữa. Như vậy, người bệnh khỏe mạnh như người không có HIV và không còn nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng” – TS. John nói.

Như vậy, để các bệnh nhân HIV mới không còn e ngại về tình trạng bệnh của mình khi tham gia BHYT, việc truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu đúng về căn bệnh này nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, tránh sự phân biệt đối xử là vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ điều trị sẽ giúp các bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe, đồng thời không lây nhiễm HIV ra cộng đồng…

THẠCH HƯƠNG

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, từ khi Thông tư 27 của Bộ Y tế có hiệu lực, đến nay đã có 35 tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV. Tỷ lệ bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT cũng tăng lên 90%, gấp gần 3 lần so với năm 2015.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/benh-nhan-hiv-lo-ngai-lo-danh-tinh-neu-dan-anh-vao-the-bao-hiem-y-te-19474.html