Bệnh nhân đánh bác sĩ: 'Thượng đế' ngồi lên đầu?

Ai cũng coi mình là 'thượng đế' mà đòi hỏi vô lý, thái quá, khó chấp nhận được...

Khi "thượng đế" được đội lên đầu

Từ vụ người nhà, người bệnh lấy giấy đập vào mặt y tá, đánh bác sĩ, đạp đổ giường bệnh và thiết bị y tế... vì cho rằng bệnh viện để nhân viên thực tập khâu vết thương cho mình, các chuyên gia đều cho rằng, căn bệnh "coi mình là thượng đế" đang bị đẩy lên thái quá, "thượng đế" nhảy lên đầu.

Một người nhà bệnh nhi đánh bác sĩ, vứt tiền lên bàn phòng khám ngay trước mặt con trẻ. Ảnh: VnE

Một người nhà bệnh nhi đánh bác sĩ, vứt tiền lên bàn phòng khám ngay trước mặt con trẻ. Ảnh: VnE

Đáng lo ngại, căn bệnh này đang có xu hướng lây lan. Từ chỗ luôn coi mình là "thượng đế" nên nhiều người có thái độ coi thường, hống hách, ngông nghênh, thậm chí là vi phạm pháp luật.

"Ai cũng coi mình là "thượng đế" nên phải hành xử với mình như "thượng đế", mà không biết rằng "thượng đế" cũng có dăm bảy loại. Mặt khác, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có đặc thù khác nhau, thứ tự ưu tiên cũng khác nhau, không phải ai, lĩnh vực nào cũng giống nhau. Đòi hỏi vô lý, thái quá là điều khó chấp nhận được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói rõ.

Phân tích cụ thể từng lĩnh vực, ông cho hay, với ngành y tế, là lĩnh vực liên quan tới công tác cứu chữa người bệnh, do đó, tính mạng con người đều quan trọng như nhau. Thứ tự ưu tiên phải từ nặng tới nhẹ, từ già tới trẻ, từ trước tới sau, không phải ai nhiều tiền thì được ưu tiên hơn người ít tiền.

"Khi đã vào bệnh viện quyền quyết định nằm trong tay bác sĩ, bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Mức độ nặng, nhẹ, nguy hiểm của bệnh là yếu tố để bác sĩ xác định thứ tự ưu tiên, bệnh nhân không thể can thiệp về mặt chuyên môn.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có quyền chỉ định nhân viên thăm khám, điều trị đúng với năng lực, chuyên môn. Người bệnh có quyền phản ứng khi việc phân công không đúng với năng lực, chuyên môn của người thăm khám hoặc dẫn tới những sai sót, có thái độ không đúng mực lúc đó bệnh nhân mới có quyền phản ánh lên ban lãnh đạo bệnh viện, tới bác sĩ quản lý để được giải quyết. Cách phản ứng kiểu giang hồ, xã hội đen, lao vào tấn công, hành hung bác sĩ là hoàn toàn trái với quy định pháp luật.

Chưa nói, cách phản ứng đó còn vô lý, cảm tính, nương theo những đòi hỏi kiểu "con nhà giàu", ích kỷ, hống hách, ngông nghênh, tự coi tính mạng mình là nhất, là quan trọng hơn những người khác, rất đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm", vị chuyên gia nói.

Đó là trong lĩnh vực y tế, còn trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng chỉ ra những biểu hiện rất rõ trong từng hành vi cụ thể.

Đó là, phụ huynh hành hung học sinh, phụ huynh hành hung thày cô vì cho rằng con mình bị bắt bạt, bị chèn ép hoặc vì không được thỏa mãn những yêu cầu cá nhân vô lý.

"Rất nhiều phụ huynh có tiền tự coi mình là khách hàng còn con mình chính là "thượng đế" vì thế có những hạch sách, đòi hỏi mang tính ưu tiên, cá biệt như phải vào được lớp tốt nhất, giáo viên phải quan tâm tới con mình nhất.

Cũng chính từ chỗ ích kỷ, hơn thua, nhiều phụ huynh phải cố tham gia vào hội phụ huynh chỉ để tìm kiếm cơ hội tiếp cận với giáo viên, tung hô giáo viên để con mình được quan tâm, chú ý hơn những học sinh khác", vị chuyên gia phân tích.

Còn ngay cả trong ứng xử thường ngày vị PGS cũng chỉ ra những biểu hiện của tính ích kỷ, coi mạng mình quý hơn mạng người khác như trông rau thì phải chia hai luống, lợn nuôi hai chuồng.

"Của nhà ăn trồng riêng, không phun thuốc sâu, không cho ăn tăng trọng còn bán cho người khác thì phun thuốc kích phọt, ăn cám tăng trọng. Tất cả cũng xuất phát từ tính ích kỷ, tham lam chỉ coi trọng tính mạng, sức khỏe bản thân mà xem nhẹ sức khỏe, sự an toàn của người khác", PGS.TS Nguyễn Văn Nam dẫn ví dụ.

Tham lam, ích kỷ là đất sống cho tiêu cực, nhũng nhiễu

Vị chuyên gia cho rằng, có sự tồn tại của thói xấu trên một phần là do sự thiếu hiểu biết, trình độ dân trí còn thấp. Mặt khác cũng là do bản tính tham lam, thấy lợi là làm.

Chính vì có sự ích kỷ, tham lam nên mới sinh ra những tiêu cực như đút lót phong bì, đưa hối lộ cho bác sĩ để được ưu tiên, ưu ái trong khám, chữa bệnh. Cũng chính là ích kỷ, tham lam nên mới có chuyện chạy chọt, nịnh nọt giáo viên để con mình được quan tâm, chú ý, nâng đỡ nhiều hơn. Và cũng chính vì ích kỷ tham lam nên mới có chuyện rau, lợn gà mình ăn thì sách, bán cho người khác thì bẩn, thì không an toàn.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng để trị được căn bệnh này, ngoài việc phải giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng thì điều quan trọng hơn cả là tạo lập được một môi trường làm việc văn minh, trong sạch, quy trình công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc.

"Nếu bệnh viện làm việc đúng nguyên tắc ngay từ đầu, việc thăm khám phải theo đúng lộ trình, nguyên tắc, không có chuyện quen biết, đi ngang, đi tắt, ưu tiên, ưu ái người nhà thì cũng sẽ không có chuyện người bệnh chạy chọt, đút lót, đòi hỏi, yêu cầu.

Cá nhân tôi từng chứng kiến nhiều y, bác sĩ cứ dẫn người nhà đến là đưa vào phòng khám trước tất cả những người bệnh đang xếp hàng từ sớm. Phía bệnh viện chưa gương mẫu nên bệnh nhân cũng bức xúc, còn nhiều người khôn ranh hơn thấy thế thì cũng chạy cho nhanh. Vì thế, việc công khai quy trình, thực hiện nghiêm túc, công bằng là điều rất quan trọng giúp củng cố niềm tim, sự tôn trọng giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Còn trong trường học cũng đối xử công bằng, không vì yêu ai, quý ai mà cho điểm cao, ghét ai thì cho điểm thấp cũng sẽ không còn chuyện chạy điểm, xin vào trường chuyên, lớp chọn. Một môi trường giáo dục nhân văn, lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp kết nối mối quan hệ giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh theo hướng tích cực, văn minh hơn.

Hay trong cuộc sống hàng ngày nếu ai cũng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, sẽ không còn chuyện rau hai luống, lợn hai chuồng, không còn chuyện cuộc sống của tôi phải tốt hơn người khác, sức khỏe của tôi phải quan trọng hơn người khác", vị PGS phân tích.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng bảy tỏ những quan ngại trước thực tế trên.

Đồng tình với những phân tích trên, vị PGS cho rằng để thay đổi được hiện thực điều quan trọng nhất là phải thay đổi từ gốc của vấn đề. Cái gốc ở đây theo vị chuyên gia chính là phải thay đổi từ nền tảng giáo dục.

"Muốn bệnh nhân tôn trọng, chừng mực thì bác sĩ cũng phải có tâm, có trách nhiệm, không vì lợi ích mà xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân.

Trên trường lớp muốn học sinh, phụ huynh tôn trọng thì những người làm thầy, làm cô phải là những người thật sự gương mẫu, trong sáng, công bằng.

Khi mọi mối quan hệ được thiết lập trên cơ chế văn minh, bình đẳng, tôn trọng quyền lợi, lợi ích của các bên thì sẽ không còn những bức xúc, những hành xử kiểu côn đồ, thiếu chừng mực", PGS Nguyễn Lê Ninh nhận định.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/benh-nhan-danh-bac-si-thuong-de-ngoi-len-dau-3430859/