Bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh từ Campuchia ở Kiên Giang tăng cao

'Có những ngày 10 người từ Campuchia nhập cảnh qua biên giới về nước thì chúng tôi ghi nhận tất cả đều nhiễm SARS-CoV-2', lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang nói.

Đây là chia sẻ về tình hình dịch của lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang tại cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế chủ trì với 63 tỉnh, thành phố, ngày 16/4.

Kiên Giang gặp khó khăn khi phòng, chống dịch Covid-19

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, trong thời điểm hiện nay, việc kiểm soát người xuất, nhập cảnh vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp ở Campuchia, Kiên Giang và các tỉnh miền Tây đang có nhiều biện pháp quyết liệt để chốt chặn các tuyến.

"Chúng tôi duy trì điều này hơn một năm nay. Tuy nhiên, với đường biên giới dài, dịch bệnh ở nước bạn diễn biến phức tạp nên nguy cơ bỏ sót trường hợp nhập cảnh trái phép trên bộ và trên biển rất cao", lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang cho biết.

Hiện Kiên Giang có 56 km biên giới trên bộ với nước láng giềng, hơn 200 km đường biển. Nhiều tàu cá của ngư dân trong nước và quốc tế đang hoạt động. Tỉnh này đã thành lập 112 chốt đường bộ, 9 tàu cá và 2 cao tốc, hơn 1.000 bộ đội biên phòng ngày đêm túc trực chốt chặn. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế Kiên Giang thừa nhận việc kiểm soát xuất rất khó khăn.

 Bộ đội biên phòng phun hóa chất khử trùng tại trường học ở Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Phạm Ngôn.

Bộ đội biên phòng phun hóa chất khử trùng tại trường học ở Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Phạm Ngôn.

Đối tượng nhập cảnh trái phép ở Kiên Giang gồm kiều bào, thường về nước vào các dịp lễ, Tết. Thời gian trước khi Campuchia bùng phát dịch, Kiên Giang không ghi nhận ca dương tính từ nhóm này.

Nhóm đối tượng thứ 2 là lao động tự do trên đất bạn. Họ xuất cảnh trái phép trước đây. Sau sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2 tại Campuchia, các đối tượng này về nước khá nhiều, trong đó có cả những người bị nước bạn trao trả.

Từ sau ngày 20/2, Kiên Giang ghi nhận 1.262 người nhập cảnh từ Campuchia, trong đó, 36 ca dương tính với SARS-CoV-2. Kiên Giang còn ghi nhận 8 ca nhiễm không rõ ràng, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh vẫn tổ chức điều trị cho bệnh nhân dù chưa có mã số.

"Tỷ lệ người nhập cảnh nhiễm SARS-CoV-2 mà Kiên Giang ghi nhận là gần 4%. Đây là con số khá cao. Có những ngày 10 người từ Campuchia nhập cảnh qua biên giới về nước thì chúng tôi ghi nhận tất cả đều dương tính với SARS-CoV-2. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi", đại diện Kiên Giang nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành y tế Kiên Giang cho biết với đặc thù người bệnh từ Campuchia nên tỉnh gặp khó khăn trong việc áp dụng phương án cách ly tập trung, cơ sở điều trị theo Bộ Y tế.

Với tình hình này, Kiên Giang có tờ trình xin thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

"Bệnh viện dã chiến này đặt tại TP Hà Tiên để thu dung, điều trị bệnh nhân từ Campuchia, sẽ hoạt động 1-2 năm trở lên, đến khi dịch ở nước bạn ổn định. Chúng tôi không thể tận dụng Trung tâm Y tế TP Hà Tiên làm bệnh viện dã chiến vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng việc chăm sóc sức khỏe nhân dân", đại diện Sở Y tế Kiên Giang nói.

Kiên Giang đề nghị Bộ Y tế sớm phê duyệt thành lập bệnh viện dã chiến vì Campuchia đang trong thời gian phong tỏa. Đến khi gỡ phạm vi cách ly, tỉnh này có thể đón nhận số lượng người về rất lớn.

Tỉnh này cũng đề nghị được phân bổ, ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 vì lực lượng tuyến đầu rất nhiều. Bên cạnh đó, tỉnh này đang gặp khó khăn trong việc mua sinh phẩm, máy móc, vật tư y tế vì lo ngại vấn đề giá thành chênh lệch.

"Hy vọng Bộ Y tế sớm tổng kết thực tiễn ở Hải Dương thành kinh nghiệm cho các địa phương học tập. Mong Bộ Y tế sớm vào Tây Nam Bộ để khảo sát tình hình thực tế tại địa phương", đại diện Kiên Giang kiến nghị.

Giám đốc Sở Y tế An Giang Từ Quốc Tuấn cho biết ngày 15/4, tỉnh này xét nghiệm và phát hiện 2 người Việt Nam từ Campuchia về có kết quả dương tính. Các trường hợp F1 may mắn đều âm tính.

5 người nhập cảnh trái phép được đưa về Trung tâm Y tế Phú Quốc (Kiên Giang) rạng sáng 31/3. Ảnh: Bất Vinh.

"Biên giới An Giang đang rất nóng và mong mỏi sớm có thêm vaccine cho tuyến đầu chống dịch", ông Tuấn nói.

Trả lời Kiên Giang, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Y tế Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết theo chủ trương của bộ, bệnh viện dã chiến có 2 loại. Một là tận dụng cơ sở vật chất sẵn có với hệ thống xử lý chất thải như trung tâm y tế, bệnh viện. Thứ 2 là tận dụng cơ sở dân sự (ký túc xá, trường học, khuôn viên thể thao), giao cho bệnh viện đa khoa thiết lập và duy trì hoạt động lâu dài.

"Mô hình dân sự này tại Hải Dương, TP.HCM vận hành hiệu quả. Kiên Giang có thể tham khảo áp dụng mô hình này trong việc xây dựng bệnh viện dã chiến", ông Khoa nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn chia sẻ những khó khăn mà tỉnh Kiên Giang đang gặp phải. Ông Tấn đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai phương án kiểm soát tốt người nhập cảnh ở biên giới.

Về đề nghị hỗ trợ bổ sung thêm vaccine, với quyết định phân bổ đợt 2 của Bộ Y tế, Kiên Giang có 15.200 liều. Ông Tấn đề nghị tỉnh sớm triển khai tiêm chủng. Khi nhận được số lượng vaccine tiếp theo, Bộ Y tế sẽ xem xét phân bổ nhiều hơn cho tỉnh.

Đợt bùng dịch ở Campuchia, Thái Lan là bài học cho Việt Nam

Cùng trăn trở về việc mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 với Kiên Giang, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết giá thành vật tư hiện nay khác so với giai đoạn trước.

Các tỉnh gặp khó khăn trong cơ chế đấu thầu mua sắm nhưng không dám mua với giá thành quá cao. Bình Dương đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn các địa phương trong công tác này hoặc ấn định giá thành.

Cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế chủ trì sáng 16/4. Ảnh: Tuấn Dũng.

Trả lời Kiên Giang và Bình Dương, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang phê duyệt kế hoạch đấu thầu và cũng chưa mua được trang thiết bị, sinh phẩm. Do đó, sau khi mua được, bộ sẽ công khai giá để địa phương làm căn cứ.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết Thái Lan xuất hiện đợt bùng phát mới liên quan các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như quán bar, karaoke.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia cũng hết sức phức tạp với khởi đầu từ ngày 20/2 qua việc quản lý cách ly tập trung.

"Có nguồn tin cho biết một số trường hợp cách ly tập trung có động thái hối lộ quản trại để ra ngoài. Điều này đã làm lây lan dịch trong cộng đồng, số lượng ca mắc tăng đột biến. Hôm qua, Campuchia đã có lệnh phong tỏa thủ đô. Tình hình tại Lào cũng phức tạp tương tự", ông Tấn nói.

Tại Việt Nam, đến tối 15/4, tổng số ca mắc là 2.758. Việt Nam qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy vậy, những ngày gần đây, Bộ Y tế ghi nhận ca mắc mới là người nhập cảnh từ Campuchia, Nhật Bản khá cao. Việc quản lý người nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch cũng hết sức khó khăn.

Bộ Y tế nhận định sự bùng phát dịch bệnh tại Thái Lan, Campuchia chính là bài học lớn cho Việt Nam trong việc kiểm soát lây nhiễm. Trong tình hình này, biên giới Tây Nam, Tây Nam Bộ là khu vực nóng. Vì vậy, bộ sẽ thành lập đoàn công tác đến các địa phương này để kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-nhan-covid-19-nhap-canh-tu-campuchia-o-kien-giang-tang-cao-post1204972.html