Bệnh nhân bị tay chân miệng mức độ nhẹ không nên vào tuyến cuối

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ phát động chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng.

Sáng 12/10, tại quận Thủ Đức, TP HCM, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay - chân - miệng, sởi, sốt xuất huyết với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM, cán bộ y tế các phường xã và đông đảo người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu

Chiến dịch nhằm phát động toàn xã hội chung tay phòng chống dịch bệnh với các hoạt động trọng tâm như: rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng để bảo vệ bản thân, trẻ em, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng -một loại bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng đồng, đặc biệt là với 2 loại bệnh rất dễ lây lan là sởi và tay - chân - miệng.

Các trường học khi phát hiện học sinh, thầy cô giáo, nhân viên mắc bệnh thì bắt buộc phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh khử khuẩn, cách ly người bệnh tại nhà. Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt, đồ chơi của trẻ tại nhà, tại trường, các khu vui chơi công cộng. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi cho tất cả các trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia…

Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo TP HCM kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tại Nhà thiếu nhi Thủ Đức

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong truyền thông về điều trị cũng đang có vấn đề khi nguyên tắc lọc bệnh, cách li chưa được chú trọng, dẫn bến các bệnh viện lớn luôn quá tải nhưng lại tăng thêm nguy cơ lây lan bệnh. Vì thế cần phải làm cho phụ huynh hiểu được tùy theo mức độ bệnh để có thể chữa trị ở các bệnh viện ở cấp dưới, tránh đưa con vào các bệnh viện tuyến cuối làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.

“Đừng có vào tuyến cuối, tuyến cuối toàn bệnh nặng, lây nhiễm chéo rất nhiều. Trong đó đủ virus tại sao mang con đang khỏe mạnh vào chỗ nặng làm gì. Bác sỹ điều trị phải thông minh, phải lọc bệnh và cách li. Dứt khoát bệnh nhẹ không cho nhập viện, bệnh nặng mới cho nằm, bệnh vừa thì theo dõi trong ngày cho về và chuyển xuống các tuyến quận, huyện. Phải tuyên truyền người dân vào trong này lây các bệnh nặng và biến chứng”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Những chuyến xe mang thông điệp phòng bệnh diễu hành quanh các con đường ở quận Thủ Đức

Sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng các lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình thực tế phòng dịch bệnh tại trường học, tại nhà một số hộ dân.

“Đứa đầu tiên 3 tuổi bị tay chân miệng thì tôi cũng chăm, ai dè nó lan sang đứa sau có 8 tháng. Lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ nhưng mà được phường, xã tới hỗ trợ, hướng dẫn cách phòng tránh cho trẻ. Nếu mình không làm những chương trình như thế này thì nhiều khi phụ huynh đi làm không biết cách chăm, vì thế rất cần những chương trình như thế này để hướng dẫn người dân”, anh Nguyễn Nam, trú tại Quận 12 có 2 con đang bị tay - chân - miệng tham dự lễ phát động chia sẻ.

Trong 9 tháng năm 2018, số trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng ở TP HCM thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn trung bình 5 năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 9, hệ thống giám sát dịch tễ ghi nhận số ca bệnh có hiện tượng gia tăng theo mùa hàng năm ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM./.

Hà Khánh/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/benh-nhan-bi-tay-chan-mieng-muc-do-nhe-khong-nen-vao-tuyen-cuoi-825135.vov