Bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay phải nằm viện dài ngày

Các bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay đang được điều trị tại TP.HCM đều thở máy, dự kiến thời gian nằm viện còn kéo dài.

Trao đổi với Zing chiều 3/9, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết cơ sở y tế này đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Hai bệnh nhân đã thở máy ngày thứ 46.

Hiện tại, người em (54 tuổi) tập cai máy thở, đôi lúc có thể tự thở, các chi cử động khá hơn. Người chị (57 tuổi) trong tình trạng nặng hơn và phụ thuộc vào máy thở. Điều đáng mừng là bệnh nhân đã có nhịp tự thở bên cạnh thở máy. Điều này chứng tỏ cơ hô hấp bắt đầu hoạt động trở lại.

Hai bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị trong thời gian trên một tháng tiếp theo mới có thể đánh giá được tình hình. Hiện các bác sĩ chưa tiên lượng được khả năng hồi phục của bệnh nhân sau khi cai máy thở.

 Bệnh nhân 54 tuổi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân 54 tuổi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) bị ngộ độc pate Minh Chay đang sang ngày thứ 8 thở máy.

Hiện bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn nhưng sức cơ còn yếu, sụp mí mắt hoàn toàn và phụ thuộc máy thở. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát, tăng cường dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phòng ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, theo TS Hùng, thời gian điều trị cho trường hợp ngộ độc này có thể kéo dài.

Bệnh nhân là sản phụ ở Khánh Hòa, bị ngộ độc pate Minh Chay từng điều trị tại đơn vị này đã ổn định sức khỏe và được chuyển về bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, các bác sĩ chưa tiên lượng được khả năng ảnh hưởng đến thai nhi khi người mẹ bị nhiễm độc.

Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, cho biết bệnh nhân L.T.T.H., 41 tuổi, ở Bình Dương, được chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi nhiễm botulinum sau khi sử dụng pate chay. Sau nhiều ngày điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân đã tỉnh nhưng sức cơ còn yếu, phục hồi chậm, khả năng phải thở máy kéo dài.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết. Vi khuẩn này có 7 chủng gây bệnh được ký hiệu từ A đến G. Trong đó, bệnh ở người thường do type A, B.

Trong y học, với liều lượng kiểm soát, độc tố botulinum type A được sử dụng để trị các chứng co cứng cơ. Trong thẩm mỹ, chất này được ứng dụng để xóa nếp nhăn trên mặt.

Liều gây chết trung bình (LD50) của độc tố này ước tính 3.000 U đối với người lớn (khoảng 70 kg). Do đó, liều điều trị giãn cơ cho người bệnh trong khoảng 60-400 U.

Các triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân.

Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng đến khó thở, không thở được do liệt cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Lọc máu cho bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay Bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, yếu liệt tứ chi, sụp mí mắt sau khi ăn pate Minh Chay.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-nhan-bi-ngo-doc-pate-minh-chay-phai-nam-vien-dai-ngay-post1127345.html