Bệnh nhân bị hoại tử chân do dùng dầu nóng xoa vết thương

Sau khi khâu lại vết thương do tai nạn giao thông, người đàn ông liên tục dùng dầu nóng xoa vào chân khiến bộ phận này bị nhiễm trùng, hoại tử nặng.

Phó giáo sư Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhân N.M.K. (42 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị nhiễm trùng phần mềm, hoại tử phần da chân phải.

Trước đó, ông K. bị tai nạn giao thông, rách chân phải, chảy máu nhiều, được đưa vào sơ cứu tại trạm y tế địa phương. Tuy nhiên, trước khi khâu vết thương, bệnh nhân không được khử trùng triệt để. Sau khi về nhà, ông K. thường xuyên xoa dầu nóng lên vết thương để giảm đau. Sau vài ngày, chân của bệnh nhân sưng to và có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ông K. lập tức được cắt lọc và ghép da để điều trị vết thương. May mắn, sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, được hướng dẫn cách thay băng, chăm sóc vết thương tại nhà và tái khám đúng lịch.

 Toàn bộ cẳng chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử. Ảnh: Nam Phương.

Toàn bộ cẳng chân của bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử. Ảnh: Nam Phương.

Bác sĩ Khanh cho biết mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận 20-30 ca nhập viện điều trị do chấn thương. Trường hợp nhẹ, người bệnh được điều trị nội khoa và hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà. Tuy nhiên, ở thể nặng, người bệnh cần nhập viện theo dõi, thậm chí phải phẫu thuật.

Bác sĩ Khanh phân tích khi bị chấn thương, các tổ chức tế bào vỡ ra, sự liên kết giữa các mô bị phá vỡ. Lúc này, phản ứng viêm diễn ra giúp cô lập, xử lý và tái tạo sự sống tại khu vực tổn thương. Tuy nhiên, khi phản ứng viêm xảy ra quá mức sẽ gây nhiều biến loạn cho cơ thể. Tình trạng sưng, phù nề nhiều hơn, đáp ứng viêm xảy ra bất thường khiến bệnh nhân phải can thiệp giảm viêm để tránh ảnh hưởng vận động phục hồi sau này.

Phản ứng viêm diễn ra quá mức cũng sẽ gây ra hiện tượng đau nhức dữ dội. Do đó, việc sơ cứu ban đầu cũng như xử lý phản ứng viêm rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi sau chấn thương.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo sau khi bị chấn thương, bệnh nhân cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương mô. Bệnh nhân có thể sử dụng túi chườm lạnh để giảm sưng đau, giúp vết thương không lan rộng và băng ép để giảm phù nề. Trong khoảng 1-3 ngày, nếu tình trạng không được cải thiện, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị các chấn thương phần mềm có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc, nhất là với những người có nhiều bệnh nền”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Dây chằng gối được nối thế nào khi bị đứt? Đứt dây chằng gối là chấn thương thường gặp ở người chơi thể thao. Bệnh nhân cần 8-9 tháng để hồi phục phong độ sau phẫu thuật nối dây chằng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-nhan-bi-hoai-tu-chan-do-dung-dau-nong-xoa-vet-thuong-post1165794.html