Bệnh nhân 27 tuổi cấp cứu vì đột quỵ: Bệnh đang ngày càng trẻ hóa

Đột quỵ đang là nỗi ám ảnh với nhiều người bởi thường xuất hiện đột ngột, tỷ lệ tử vong cao và nhiều khi để lại di chứng rất nặng nề. Tuy nhiên, nếu nhận biết bệnh sớm sẽ hạn chế được hậu quả.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo Điều trị đột quỵ tại bệnh viện Xanh - Pôn, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. (Ảnh Internet)

Đột quỵ đang bị trẻ hóa

Thời tiết mùa đông dễ khiến bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu, dẫn tới đột quỵ (tai biến mạch máu não). Thế nhưng hiện nay, nhiều người kể cả các bác sĩ cũng chưa nhận biết chính xác về bệnh đột quỵ. Điều này khiến cho nhiều bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời nên mất cơ hội hồi phục.

ThS. BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội - cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 toàn cầu. 69% ca đột quỵ và 71% ca tử vong do đột quỵ là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, chiếm tới 53% bệnh nhân dưới 75 tuổi.

Nghiên cứu của WHO cũng cho thấy, đột quỵ là một trong các nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam. Riêng năm 2012 có tới 112.600 chết vì đột quỵ. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, năm 2016, tỷ lệ đột quỵ ở 8 tỉnh chiếm tới 1,62% dân số, cao hơn Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo ThS.BS Dương Trung Kiên -Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh – BV Xanh Pôn, mỗi năm, BV Xanh Pôn phải tiếp nhận khoảng 2.000 người bị đột quỵ, trong đó có hơn 100 người bị tai biến nặng phải phẫu thuật. Số người bị di chứng do đột quỵ cũng rất lớn. Đáng lo ngại khi trước đây đột quỵ chỉ xuất hiện ở người già thì nay, đột quỵ đang bị trẻ hóa. Bằng chứng là mới đây đã có bệnh nhân 27 tuổi đã phải vào BV Xanh Pôn cấp cứu vì đột quỵ.

Các chuyên gia tại Hội thảo Điều trị đột quỵ tại bệnh viện Xanh - Pôn.

Giờ vàng để cứu bệnh nhân đột quỵ

Theo ThS. BS Nguyễn Thành, 3 giờ đầu tiên sau đột quỵ là “thời gian vàng” để cứu chữa vì khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do đó, sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân càng đến bệnh viện muộn, nguy cơ hồi phục càng thấp.

Trong khi đó, nhiều bác sĩ chưa nhận biết được đột quỵ, cùng với tình trạng ách tắc giao thông phổ biến hiện nay đã khiến cho việc cứu chữa bệnh nhân khó khăn hơn nhiều. Không ít người phải chịu tàn phế, thậm chí tử vong chỉ vì không kịp thời đến được cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện để cứu chữa. Do đó, nếu bác sĩ phân biệt được tắc mạch và xuất huyết, để có thể xử trí đúng ngay khi trên xe cấp cứu, mới có thể giảm tỉ lệ di chứng và tử vong, nếu không càng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Theo đó, ThS. BS Hoàng Thị Phú Bằng -Viện Tim mạch Quốc gia (BV Bạch Mai) cũng chỉ ra nguyên nhân chính của đột quỵ là tăng huyết áp. Nghiên cứu tại Viện Tim mạch chỉ ra cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người có tăng huyết áp. Đột quỵ và tăng huyết áp xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi. Để giảm thiểu nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, cần kiểm soát tốt huyết áp ở người lớn tuổi.

Bên cạnh do tăng huyết áp, thì việc hút thuốc lá và các bệnh tiểu đường, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, rung nhĩ, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém, ít vận động và béo phì cũng là căn nguyên dẫn đến đột quỵ.

Tại Việt Nam, một kết quả nghiên cứu cho thấy 95% bệnh nhân bị đột quỵ có kèm tăng huyết áp. Trong số đó 48,5% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết và 51% bệnh nhân trong số này đã tử vong sau 28 ngày điều trị; 43,5% bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu và 20% tử vong sau 28 ngày điều trị. Tỷ lệ người bị đột quỵ trên 53 tuổi chiếm 76%. Có thể nói phần lớn bệnh nhân đột quỵ là người cao tuổi và hầu hết có tăng huyết áp.

Theo ThS. BS Nguyễn Thành, có thể nhận biết đột quỵ qua các dấu hiệu: Miệng méo, tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì, khó cử động, khó thao tác. Dấu hiệu nữa là khó nói hoặc nói ngọng bất thường

Giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp. Nhưng ở Việt Nam là tỷ lệ khống chế tăng huyết áp còn rất thấp, chỉ khoảng 31.3 %. Chính vì vậy Ths. Hoàng Thị Phú Bằng nhấn mạnh: Giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài.

Điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa, đồng thời phải lưu ý đến tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống như: giảm cân, giảm muối và mỡ bão hòa, giảm lượng calorie trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu ở mức cho phép, bổ sung đủ calci, kali, magne, chất xơ, không hút thuốc lá.

Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây ra đột quỵ (Ảnh: Internet)

Sai lầm khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ theo phương pháp dân gian truyền miệng

Khi bệnh nhân bị đột quỵ, một số người thường chích máu ở đầu ngón tay để “chữa bệnh” theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, ThS. BS Dương Trung Kiên cho rằng, điều này không có cơ sở khoa học nên không khuyến khích.

Về việc có người massage, gội đầu bị đột quỵ, liệu có phải nguyên nhân là do masage, BS Kiên cho biết, khó có thể nói có sự liên quan mà có thể chỉ là tăng huyết áp đột phát. Có thể do người đột quỵ đã bị tăng huyết áp nhưng không biết hoặc không điều trị và bị kịch phát đúng vào lúc massage, gội đầu.

“Khi bị đột quỵ, không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng hoặc sử dụng thuốc không biết chính xác hiệu quả vì sẽ làm chậm trễ “thời gian vàng” cho điều trị. Mọi người dân cần có kiến thức sơ đẳng nhất để nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ như méo, hoặc liệt mặt, chân tay cử động hoặc cảm giác không như mọi ngày, hoặc nói ngọng để có ý thức đến khám tại những cơ sở y tế sớm nhất có thể” - ThS. BS Dương Trung Kiên khuyến cáo.

Nguyễn Huệ

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/suc-khoe/benh-nhan-27-tuoi-cap-cuu-vi-dot-quy-benh-dang-ngay-cang-tre-hoa-40326.html