Bệnh nào nguy hiểm dẫn đến tử vong mùa mưa bão?

Sốt rét, thương hàn, tả, cảm cúm… trở thành mối đe dọa sức khỏe của nhiều người, có khả năng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời, nhất là trong những ngày mưa bão.

Mùa mưa bão kéo dài, không khí mát mẻ, tuy nhiên, độ ẩm tăng cao cũng tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng có cơ hội sinh sôi.

Thêm vào đó, trong mùa mưa, hệ tiêu hóa của chúng ta dễ bị suy yếu, khả năng đề kháng bệnh giảm khiến dễ mắc các bệnh phổ biến như ho, cảm lạnh, cúm, tiêu hóa, bệnh thương hàn, kiết lỵ… ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều người.

Bệnh lây truyền do muỗi

Muỗi là vật trung gian truyền nhiễm của rất nhiều loại bệnh nguy hiểm. Không chỉ gây bùng phát dịch bệnh virus Zika, muỗi còn là nguyên nhân lây lan hàng loạt căn bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét hay viêm não Nhật Bản…

Hầu hết các bệnh do muỗi truyền đều gây những tác hại nặng nề cho cơ thể, thậm chí là tử vong.

Bệnh sốt rét là một trong những bệnh nguy hiểm nhất thường xuất hiện vào mùa mưa. Ảnh minh họa.

Trong đó, bệnh sốt rét là một trong những bệnh nguy hiểm nhất thường xuất hiện vào mùa mưa. Bệnh sốt rét do muỗi Anophen cái gây ra. Muỗi mang mầm bệnh và truyền ký sinh trùng Plasmodium từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh. Khi bị sốt rét, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như: sốt, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, ớn lạnh và triệu chứng như cúm nặng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Để tránh muỗi đốt gây bệnh sốt rét, bạn cần chú ý tiêu diệt muỗi, bọ, loăng quăng xung quanh nhà, nhất là ở những vũng nước đọng. Lưu ý đóng kín cửa khi về chiều và ban đêm để tránh muỗi vào nhà.

Khi ngủ, cần nằm màn để giảm nguy cơ tiếp xúc với muỗi, sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay...

Bệnh đường tiêu hóa

Trong mùa mưa, thực phẩm nấu chín và bán ngoài trời có thể sẽ tiếp xúc với các bệnh và vi khuẩn trong không khí và nước. Thêm vào đó, môi trường ẩm ướt, mưa bão, không khô ráo và thiếu vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là thời điểm các bệnh thương hàn, tả, kiết lỵ tăng cao đột biến và bùng phát dữ dội.

Trong đó, nguy hiểm nhất là thương hàn, một bệnh gây ra bởi vi khuẩn salmonella và có độ lây nhiễm rất cao. Bệnh thương hàn thường có xu hướng phát triển do ăn phải thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Bạn cần lưu ý rằng ngay cả sau khi được chữa khỏi, một số bệnh nhân có thể vẫn còn vi khuẩn gây bệnh bên trong túi mật.

Bệnh thương hàn thường xảy ra do ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và có độ lây nhiễm rất cao. Ảnh minh họa.

Người bị bệnh thương hàn thường có triệu chứng sốt kéo dài, đau đầu, đau bụng dữ dội, tiếp theo là táo bón hoặc tiêu chảy...

Cách phòng bệnh thương hàn đặc hiệu và chủ động là tiêm vắc-xin. Cần cải thiện điều kiện vệ sinh như tăng cường nguồn nước sạch, ăn sạch, uống nước đun sôi, không ăn thực phẩm sống hay nghi ngờ nhiễm trùng, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi ngoài…

Ngoài thương hàn, các bệnh đường tiêu hóa còn thường gặp vào mùa mữa bão là bệnh tả, do vi khuẩn gây bệnh tả có khả năng ảnh hưởng đến ruột non. Bệnh tả phát triển và lây lan nhanh chóng chủ yếu ở những khu vực kém vệ sinh.

Một số triệu chứng của bệnh tả có thể bao gồm như: tiêu chảy nặng, phân lỏng thành nước, giảm cân nhanh chóng, chuột rút cơ bắp nghiêm trọng...

Trẻ em cần được chủng ngừa bệnh tả trong 6 tháng đầu sau sinh. Để phòng chống bệnh tả, tốt nhất bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh đồ ăn, thức uống.

Nên ăn thực phẩm nấu chín để tránh vi khuẩn tả tăng lên khi vào cơ thể.

Bệnh về đường hô hấp

Mùa mưa, nhiệt độ giảm, thời tiết thay đổi lạnh hơn, dễ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm mùa, thậm chí là cúm H1N1… Trong đó, cúm mùa là một trong chuỗi các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra nhất trên thế giới. Bệnh có thể do một số virus khác nhau gây ra và thường được gọi là nhiễm virus đường hô hấp trên.

Cảm lạnh thông thường và cúm có thể bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi...

Bệnh thường lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như hít phải virus bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh...

Người mắc cúm cần được cách ly và chăm sóc đặc biệt. Ảnh minh họa.

Đối với bệnh cảm lạnh thông thường, việc điều trị cũng khá đơn giản, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng như nước, nước trái cây tươi, súp, trà gừng... Súc miệng bằng nước muối ấm, tránh hút thuốc và uống rượu cũng là một cách để phòng bệnh cảm lạnh.

Đối với cúm H1N1, người khỏe mạnh nên tránh xa những người có triệu chứng cảm lạnh và cúm, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

Đồng thời, người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Hoàng Hạ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/benh-nao-nguy-hiem-dan-den-tu-vong-mua-mua-bao-40503