Bệnh lý hô hấp ngày càng tăng và diễn biến bất thường - phải làm gì?

Giai đoạn chuyển mùa là thời điểm gia tăng các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Tình hình lượng bệnh gia tăng mang tính chất chu kỳ, do thời điểm này thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Mưa nhiều và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão khiến không khí lạnh hơn, độ ẩm tăng cao tạo thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi trùng phát triển, đặc biệt là các chủng vi khuẩn vi trùng trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản,...

Để làm rõ hơn về bệnh hô hấp, cách phòng và xử trí đúng cách khi mắc phải, Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương đã chia sẻ về vấn đề này.

PV: Cùng với sự phát triển kinh tế, chúng ta đang phải đối mặt với gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, cùng với tình trạng hút thuốc còn rất phổ biến… nên tỷ lệ mắc bệnh lý hô hấp ngày càng tăng và có nhiều ca bệnh nặng, phức tạp, các bệnh thường gặp là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, nấm phổi, và ung thư phổi …. Xin bác sĩ cho biết về thực trạng bệnh viêm đường hô hấp hiện nay?

Ths.BS Vũ Văn Thành : Báo cáo cho thấy, nước ta nằm trong 12 nước có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới. Thực tế cho thấy, hiện nay các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh đường hô hấp đang ngày càng tăng, nhất là vào thời điểm chuyển mùa, không khí ô nhiễm nặng, là yếu làm khởi phát cấp tính các bệnh lý hô hấp như hen phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các nhiễm trùng hô hấp cấp tính... Lý do là phổi của chúng ta là cơ quan tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp, với không khí qua động tác hít thở.

Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận trên 300 trường hợp đến khám, điều trị vì các bệnh hô hấp, trong số đó có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị . Mặc dù vậy, cũng chưa thể khẳng định được vấn đề ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đến khám hô hấp tại bệnh viện gia tăng, vì còn có nhiều yếu tố khác tác động vào thực trạng này như người có bệnh lý nền từ trước, dinh dưỡng, vệ sinh, hút thuốc ...

Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương

Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, BV Phổi Trung ương

PV: Hiện nay một trong số những bệnh hô hấp phổ biến liên quan đến ô nhiễm không khí và hít phải khói thuốc, đó là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng trên thực tế hiểu biết người dân về bệnh này còn hạn chế, đa số người bệnh được được chẩn đoán khi bệnh đã nặng, nhiều triệu chứng, điều trị không hiệu quả và tốn kém. Vậy dấu hiệu nào của bệnh mà người dân cần lưu ý để đi khám để được phát hiện sớm căn bệnh này?

Ths.BS Vũ Văn Thành: Theo điều tra dịch tễ, tại nước ta có khoảng 4,2% những người trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tỷ lệ mắc cao ở nam giới, người hút thuốc, một số địa phương, và thời gian gần đây tỷ lệ này còn cao hơn nữa, có nơi là 8-9%.

Triệu chứng thường gặp của bệnh này là ho, khặc đờm mạn tính và khó thở (giai đoạn bệnh nặng), tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu và có thể thấy ở nhiều bệnh khác. Do đó, chúng tôi có lời khuyên với tất cả người trên 40 tuổi, tiền sử hoặc hiện tại hút thuốc , có ho, khạc đờm mạn tính, kèm theo khó thở hoặc không, nên được đi khám chuyên khoa hô hấp và được đo chức năng thông khí phổi giúp chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cũng như loại trừ các nguyên nhân khác.

PV: Vâng, Được biết các bệnh hô hấp mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không điều trị đúng, rất hay bị kịch phát các cơn cấp tính nguy hiểm đến tính mạng, làm người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống và chức năng phổi… Vậy thưa bác sĩ, để điều trị căn bệnh này cần lưu ý những gì?

Ths.BS Vũ Văn Thành: Đúng như vậy, vì là bệnh mạn tính nên không thể chữa khỏi hẳn được, có nghĩa là chỉ cần điều trị một lần là xong, mà cần được theo dõi điều trị lâu dài. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc gì cho phù hợp và kèm theo một số lưu ý trong lối sống. Ví dụ như với bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau điều trị ổn định đợt cấp tính cần được điều trị duy trì dự phòng, do phải dùng lâu dài nên ưu tiên sử dụng các thuốc đường phun hít hoặc khí dung có tác dụng nhanh, tại chỗ và hạn chế được tác dụng phụ

Điều quan trọng là người bệnh cần được giáo dục sức khỏe để hiểu rõ tình trạng bệnh, cách điều trị, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động thể chất phù hợp. Từ đó, người bệnh có thể tự theo dõi sức khỏe của mình, nhận biết được khi nào tình trạng đang xấu đi và cách xử trí ban đầu đúng.

Bên cạnh đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong hỗ trờ người bệnh, quan tâm, động viên giúp người bệnh không bị mặc cảm, quyết tâm và tuân thủ điều trị, khám định kỳ theo hẹn.

Đối với người bệnh còn hút thuốc, cần tư vấn hỗ trợ người bệnh cai nghiện thuốc thành công.

PV: Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân để bảo vệ vấn đề sức khỏe nói chung và hệ hô hấp nói riêng?

Ths.BS Vũ Văn Thành: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có 7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó liên quan đến 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi, 4 triệu trường hợp tử vong do nhiễm trùng hô hấp dưới. Do đó, WHO đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Hằng ngày cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Cần vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý; đeo khẩu trang khi ra bên ngoài; hạn chế tiếp xúc với những nơi có khói, bụi, ô nhiễm... nhất là với những người mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hạn chế ra ngoài trong những ngày được cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức xấu; khuyến khích tiêm phòng cúm, phế cầu ở những người nguy cơ. Một điều quan trọng là cần khám bệnh kịp thời khi có dấu hiệu hô hấp bất thường.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-ly-ho-hap-ngay-cang-tang-va-dien-bien-bat-thuong-phai-lam-gi-n184074.html