Bệnh lao họng và biện pháp tránh lây truyền

Bệnh lao họng thường khởi phát sau lao phổi hoặc lao da, gồm nhiều thể như lao kê họng, lao loét bã đậu ở họng, luput họng và lao họng nguyên phát. Các thể bệnh có biểu hiện và tiên tượng nặng nhẹ khác nhau.

Lao kê họng hiện là thể ít gặp. Bệnh nhân mắc lao họng thường ở độ tuổi 20-40. Vi khuẩn lao lan tràn vào họng bằng đường máu khi lao phổi bước vào thời kỳ trầm trọng hoặc lao kết hợp một số bệnh làm suy giảm miễn dịch (như cúm, sởi, sau đẻ, nhiễm HIV). Biểu hiện chung của lao họng là sốt, nhiệt độ không đều, ra mồ hôi như tắm, khó thở, nuốt đau nhói lên tai, không ăn được và hay bị sặc lên mũi khi uống nước. Người bệnh mệt mỏi nhiều và gầy sút nhanh. Trong họng có những hạt như hạt kê, lổn nhổn, tập trung thành từng mảng xù xì, dày cộp, khi vỡ ra để lại những vết loét nông rất bẩn.

Lao họng mạn tính thể loét bã đậu luôn thứ phát sau lao phổi. Bệnh nhân là những người đang bị lao phổi đã được xác nhận là lao phổi thể hang. Biểu hiện: ho khạc nhiều, gầy sút, có vi khuẩn lao trong đờm, chụp phổi thấy tổn thương hang lao... Bệnh nhân đau họng, khó nuốt, nói giọng mũi hoặc khàn tiếng, thường sặc lỏng, nước bọt chảy ra rất nhiều, chảy cả ra ngoài miệng mà không nuốt kịp; tình trạng nuốt đau ngày càng tăng. Niêm mạc họng tái nhợt, bị xước nham nhở với những vết loét nông, đáy xám, rất bẩn. Hạch cổ lổn nhổn thành từng chuỗi hoặc sưng to thành khối, có khi bị nhuyễn hóa và rò mủ. Bệnh diễn biến chậm, nhưng nếu không điều trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn mất lưỡi gà, amidan, lan xuống sàn miệng, niêm mạc má. Bệnh nhân suy mòn dần và sẽ chết vì lao phổi.

Luput họng luôn xuất hiện sau luput mặt hoặc luput mũi. Bệnh nhân thường là phụ nữ và không có bệnh tích lao ở phổi. Người bệnh có cảm giác vướng và rát ở họng miệng, thường không thấy đau. Khám họng thấy lổn nhổn những hạt lấm tấm màu vàng xám, những vết loét nông bờ không đều hoặc các vết loét sâu, đầu nhỏ như đầu kim. Vết loét ít xuất tiết. Tiên lượng bệnh thường không nặng, ít khi tử vong trừ một số ít trường hợp tiến triển thành lao kê họng.

Lao họng nguyên phát thường biểu hiện không rõ rệt, chỉ giống như viêm amidan thông thường. Người bệnh xanh xao, ăn uống kém, niêm mạc nhợt nhạt, hạch cổ có tính chất của hạch lao...

Lao họng được điều trị theo phác đồ phòng chống lao chung, kết hợp vệ sinh mũi họng thật tốt bằng một số thuốc (như thuốc súc họng kiềm nhẹ để làm thay đổi pH của họng) hoặc bằng tia cực tím, tia lửa điện nguội, đốt cote điện...

Phần lớn vi khuẩn lao được tung ra do ho khạc, hắt hơi, thậm chí nói chuyện... Người bệnh lao họng cần giữ để tránh lây lan sang người thân và cộng đồng. Phòng sự lan truyền vi khuẩn lao cho người xung quanh bằng các biện pháp:

- Nên nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị lao.

- Thông thoáng không khí trong phòng: bào tử lao có thể lây lan dễ dàng trong không gian đóng khi không có không khí lưu thông.

- Che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài: Sử dụng miếng vải che miệng bất cứ khi nào cười, nói, ho, hắt hơi. Để miếng vải trong cái túi, buộc kín và vứt vào thùng rác.

- Tuân thủ quá trình trị liệu là bước quan trọng trong quá trình điều trị lao, nhằm bảo vệ bệnh nhân và người xung quanh khỏi lao.

BS. Trần Trung

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/benh-lao-hong-va-bien-phap-tranh-lay-truyen-n147423.html