Bệnh lạ hiếm gặp ở Việt Nam, nhiều trường hợp y học bó tay

Trong số những căn bệnh lạ từng xuất hiện ở Việt Nam, có bệnh được bác sĩ chữa khỏi nhưng cũng có những trường hợp y học phải bó tay, không tìm ra phương pháp chữa trị.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ BV Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn S. 34 tuổi, quê ở N.A. nhập viện với 1 khối u khổng lồ ước chừng 40-45 kg to hơn cả phần cơ thể còn lại của bệnh nhân. Khối u chiếm toàn bộ phần lưng mông và gần như toàn bộ đùi và cẳng chân bên trái của bệnh nhân.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ BV Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn S. 34 tuổi, quê ở N.A. nhập viện với 1 khối u khổng lồ ước chừng 40-45 kg to hơn cả phần cơ thể còn lại của bệnh nhân. Khối u chiếm toàn bộ phần lưng mông và gần như toàn bộ đùi và cẳng chân bên trái của bệnh nhân.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị u xơ thần kinh. Sau hơn 8 tiếng phẫu thuật các bác sỹ đã cắt gần hêt khối u vùng lưng và mông khoảng 23 kg (Phần u lớn đùi và gối trái không thể phẫu thuật cùng lúc nên phải để chờ phẫu thuật tiếp theo). Tổng lượng máu phải truyền cho bệnh nhân là hơn 5 lít.

Tháng 4 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện E (Hà Nội) cứu sống bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mắc bệnh lạ. T bị liên tục đau đầu từ vài tháng trước nhưng uống thuốc giảm đau không đỡ. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch vùng cầu não (sàn não thất IV) có chảy máu não thất. Đây là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất.

Tháng 12/2017, 9 học sinh ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn được phát hiện cùng mắc bệnh lạ, liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe. Đây là các biểu hiện đặc trưng của rối loạn phân ly. Căn bệnh là một nhóm các rối loạn thường gặp và tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 0,3 đến 0,5% dân số.

Đến ngày 11/12/2017, một nữ học sinh tại điểm trường Ea Uôl thuộc Trường Tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cũng được phát hiện bỗng đứng dậy la hét, hất tung sách vở và các dụng cụ học tập rồi chửi mắng mọi người, liên tục đòi lên đồi, xuống suối. Ngày 18/12, có tất cả 6 em học sinh nữ, từ 10-13 tuổi tại hai điểm trường Ea Lang và Ea Uôl bị “lây” các triệu chứng như trên. Mỗi lần phát bệnh của các em thường kéo dài từ 15 phút đến một giờ. Sau đó, các em trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Các Bác sĩ tại huyện Krông Bông đến thăm khám và chẩn đoán 6 nữ học sinh trên có triệu chứng của bệnh “Rối loạn phân ly tập thể”, tương tự như 9 em học sinh phát bệnh tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Tháng 10/2017, BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa điều trị Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, BV Châm cứu TƯ cho biết, đang điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Thanh Bình (8 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) mắc căn bệnh rất hiếm gặp, hễ ngóc đầu là bất tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lý - mẹ bệnh nhi cho biết, sau buổi tan học ngày 6/8, cháu Bình kêu đau đầu dữ dội. Chị liền cho con uống paracetamol giảm đau nhưng sau 1 tiếng vẫn không đỡ. Ngay lập tức, gia đình đưa con sang BV 108 để khám. BS kê đơn thuốc 5 ngày về uống.

“Về nhà, cháu bắt đầu xuất hiện thêm nhiều biểu hiện lạ. Hễ cứ nâng đầu lên là người rũ như tàu lá chuối, bất tỉnh, sau chừng 1-2 phút tự hồi. Chân tay cũng nhũn ra không đi được nên chỉ nằm một chỗ, đi vệ sinh phải có người bế”, chị Lý kể lại. BS Tâm chia sẻ, trong nhiều chục năm làm nghề, đây là ca bệnh lần đầu tiên ông gặp tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể do trẻ được nuông chiều quá mức hoặc do ức chế, căng thẳng thần kinh tích tụ kéo dài.

Căn bệnh lạ chưa xác định được nguyên nhân khiến bé Phạm Nguyễn Ngọc Bích (5 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) mọc nhiều lông tóc màu đen dài khắp lưng, có nguy cơ lan rộng khắp cơ thể.

Ngày 26/8/2016, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi) với khối bướu đậm màu, chiếm hết vùng lưng giống như mai rùa.Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh nhi mắc căn bệnh bướu hắc tố bẩm sinh, nhưng kích thước của bướu rất "khủng", chưa từng thấy tại Việt Nam.

Tháng 4/2016, em Huỳnh Ly Trương (12 tuổi, ngụ ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã qua đời vì căn bệnh lạ ăn mòn gần hết khuôn mặt. Em Trương được các bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư rất hiếm gặp ở vùng hốc mũi, còn gọi là hạch Lymphoplastic dạng T giai đoạn 3. Ảnh: Zing, Người lao động, Pháp luật TP HCM.

Trước đó, tại Việt Nam cũng ghi nhận nhiều ca bệnh lạ y học phải bó tay như căn bệnh lạ bùng phát khiến nhiều đứa trẻ ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình bị ngứa ngáy và lở loét, bong tróc da toàn thân. Có những em bị nặng còn biến dạng cả khuôn mặt, tinh thần và trí tuệ kém phát triển.

Khi đó, toàn xã có 11 em mắc phải căn bệnh này, 3 em đã tử vong, còn lại 8 em phải vật lộn với nỗi đau về thể xác từng ngày. Bệnh thường bắt đầu phát từ khi trẻ chỉ mới vài ba tháng tuổi và chỉ kéo dài được 7 – 8 năm, không có cách gì cứu chữa. Điều đó khiến người ta đinh ninh, những đứa trẻ bất hạnh ở đất này bị “quỷ ám”. Bác sĩ Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia cho biết: Những đứa trẻ ở Mường Chiềng bị bệnh khô da đậm sắc tố, có tên khoa học là Xeroderma Pimentosum. Căn bệnh này rất hiếm gặp và chưa rõ căn nguyên.

Người phụ nữ ở Sóc Trăng nổi hàng nghìn mụn thịt khắp người: Theo đó, toàn thân chị Thạch Thị Sa Ly (Sóc Trăng) có đến hàng nghìn mụn thịt nổi kín. Nhiều người bảo chị mắc bệnh quỷ ám. Chị Sa Ly cho biết mụn thịt mọc đầy các mi mắt nên chị chỉ còn nhìn thấy lờ mờ, tay chân đau nhức nên không đi được mà chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ. Đến năm 2012, bệnh nhân Sa Ly đã được chuyên gia phẫu thuật người Mỹ McKay McKinnon phối hợp cùng các bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) phẫu thuật. Sau gần 8 giờ phẫu thuật, hàng ngàn khối u trên cơ thể chị Sa Ly đã được cắt bỏ.

Thiếu nữ bỗng dưng biến thành bà già: Sinh năm 1985, quê ở Bến Tre, Nguyễn Thị Phượng lớn lên hoàn toàn như bao cô gái khác. Năm 2007, Phượng thấy ngứa da mặt và tay nên mua thuốc chống dị ứng về uống nhưng không khỏi. Hai tháng sau, gương mặt và hai cánh tay bỗng ngày càng đỏ, nổi mẩn. Từ đó da mặt cô chảy xệ và nhăn nheo trông thấy, nhìn y hệt một “bà cụ 70 tuổi”. Theo kết luận của các chuyên gia da liễu, chị Phượng bị bệnh tế bào vón, nhão da. Theo các tài liệu chuyên khoa da liễu, tỷ lệ mắc bệnh tế bào vón khoảng 1/160.000. Riêng trường hợp nhão da phối hợp cùng tế bào vón như chị Phượng là rất hiếm. Đến năm 2015, chị Phượng qua đời do mắc chứng đau dạ dày.

Video: Bé gái mắc hội chứng “mọc cây trên người”. Nguồn: VTC

Thảo Nguyên (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/benh-la-hiem-gap-o-viet-nam-nhieu-truong-hop-y-hoc-bo-tay-1048421.html