Bệnh không lây nhiễm: Nguy cơ, hậu quả và cách phòng chống

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi và trở thành gánh nặng bệnh tật của ngành Y tế.

Xu hướng gia tăng bệnh không lây nhiễm

Đây là những thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại Ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm diễn ra tại Hà Nội, vừa qua.Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản nói riêng đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù đã có những bước tiến lớn trong chẩn đoán, điều trị và nỗ lực trong quản lý.

Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do COPD là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số người mắc COPD sẽ tăng 3 - 4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương chăm sóc cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương chăm sóc cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, đối với bệnh hen phế quản, theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.Theo các chuyên gia y tế, COPD và hen phế quản đều là những bệnh lý mãn tính nhưng được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Vì thế, Bộ trưởng Y tế kêu gọi người bệnh tuân thủ điều trị, tránh xa các yếu tố tác nhân gây bệnh (khói thuốc chủ động, thụ động, khói bếp than...)

Cũng trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi tọa đàm giữa các chuyên gia, bác sĩ, tại các bệnh viện trong và ngoài nước về các yếu tố nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh COPD và hen phế quản. Tại đây, các chuyên gia cũng chỉ ra 5 sai lầm khi điều trị bệnh COPD và hen phế quản, đó là: Tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến việc điều trị bệnh sai, dùng thuốc không đúng liều hoặc đủ liều; tâm lí muốn điều trị nhanh tự ý sử dụng thuốc liều cao hơn hoặc đến những nơi khám bệnh không uy tín, dẫn đến tiền mất, tật mạng; không tránh các yếu tố kích thích như thuốc lá, rượu bia…; không nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc, tự ý ngừng thuốc và cuối cùng là quá sợ hãi về việc sử dụng corticoid trong thuốc mà tự ý bỏ dùng các loại thuốc chứa corticoid mà bác sĩ đã kê đơn.

Cùng đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay xuất hiện tình trạng, một số bà mẹ khi thấy trẻ có những triệu chứng như ho, thở khò khè… nghi do hen phế quản, đã tự ý mua khí dung và thuốc về để cho con uống, như vậy là hoàn toàn sai lầm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi thấy trẻ có những triệu chứng bất thường, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các chuyên gia y tế cũng cho biết, để phòng tránh hen phế quản trong cộng đồng thì người dân cần chủ động đi khám khi xuất hiện triệu chứng ho kéo dài, thở khò khè, khó thở…; xây dựng chế độ vận động tốt để có sức dẻo dai và quan trọng là giữ cho tinh thần luôn khỏe mạnh.

Nỗ lực phòng bệnh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai là đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chương trình đang tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 (2016-2020) thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số.

Cũng trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi tọa đàm giữa các chuyên gia, bác sĩ, tại các bệnh viện trong và ngoài nước về các yếu tố nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh COPD và hen phế quản. Tại đây, các chuyên gia cũng chỉ ra 5 sai lầm khi điều trị bệnh COPD và hen phế quản, đó là: Tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến việc điều trị bệnh sai, dùng thuốc không đúng liều hoặc đủ liều; tâm lí muốn điều trị nhanh tự ý sử dụng thuốc liều cao hơn hoặc đến những nơi khám bệnh không uy tín, dẫn đến tiền mất, tật mạng; không tránh các yếu tố kích thích như thuốc lá, rượu bia…; không nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc, tự ý ngừng thuốc và cuối cùng là quá sợ hãi về việc sử dụng corticoid trong thuốc mà tự ý bỏ dùng các loại thuốc chứa corticoid mà bác sĩ đã kê đơn.

Đánh giá sơ bộ đã cho thấy những kết quả hết sức khả quan: Từ năm 2011 đến năm 2016, dự án đã được triển khai tại 63 tỉnh trên cả nước. Hệ thống quản lý Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được xây dựng dọc từ trung ương xuống các tuyến xã phường, mỗi địa phương triển khai được ít nhất 1 phòng quản lý tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Một số tỉnh, thành đang bắt đầu thí điểm mô hình quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại y tế cơ sở.

Để tăng cường phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi: Mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến; triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh. Đảm bảo cơ chế tài chính và chi trả BHYT cho các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế tin tưởng rằng với việc đầu tư thích đáng, kịp thời bằng nguồn lực trong nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, mở rộng các can thiệp có hiệu quả cao, Việt Nam sẽ vững bước trên tiến trình thẳng hướng tới các mục tiêu đã đặt ra để bảo đảm được rằng không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: Câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe. “Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30%... như đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/benh-khong-lay-nhiem-nguy-co-hau-qua-va-cach-phong-chong-85034.html