Bệnh không lây nhiễm - hệ quả từ lối sống

Ước tính tại Việt Nam có trên 32 triệu người mắc bệnh không lây nhiễm (BKLN), chiếm 33% dân số. Trong đó, bệnh tăng huyết áp (THA) 12 triệu người mắc, đái tháo đường (ĐTĐ) 2,5 triệu người, rối loạn tâm thần 13,5 triệu người, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản 4 triệu người mắc...

77% tử vong do BKLN

Tập thể dục giúp phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Tập thể dục giúp phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Theo thống kê, với bệnh THA, gần 57% bệnh nhân không biết mình bị bệnh, chỉ có gần 14% được quản lý và điều trị; chỉ 9,7% huyết áp được kiểm soát. Với bệnh ĐTĐ, gần 69% không được phát hiện bệnh, quản lý và điều trị cũng chỉ chiếm gần 29%.

Ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong. Trong đó, BKLN chiếm tới 77%. Ngoài ra, BKLN còn gây tàn tật lớn như: liệt nửa người, mù lòa, suy thận, loét chi phải cắt cụt… BKLN là bệnh mạn tính, phát triển và tiến triển chậm, hầu như không chữa khỏi. Trong khi người dân chủ quan, bệnh nhân ngày càng tăng, gánh nặng cho hệ thống y tế.

Ths.BS Huỳnh Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống chấn thương và Các bệnh không lây, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, cho biết: BKLN chủ yếu do hành vi, lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều muối, đường), thiếu vận động thể lực... Vì thế, lối sống, hành vi quyết định chúng ta có mắc bệnh hay không.

Các yếu tố nguy cơ mắc BKLN: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, có các yếu tố “ẩn”: toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa và già hóa dân số.

Năm 2015, điều tra yếu tố nguy cơ BKLN và điều tra thuốc lá năm 2015 ở nhóm từ 18-69 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam 45% và nữ 1,1%; uống rượu bia mức nguy hại: nam 44,2% và nữ 1,2%; ăn ít rau/trái cây (dưới 400g/ngày): 63% nam và trên 51% nữ; nam tiêu thụ 10,5g muối và nữ 8,3g muối; tiêu thụ đường của người Việt Nam 46,5g/ngày/người. Ngoài ra, 20,2% nam và 35,7% nữ thiếu hoạt động thể lực (dưới 150 phút/tuần).

Theo các nghiên cứu, 80% bệnh tim mạch, ĐTĐ tuýp 2 và 40% bệnh ung thư có thể phòng tránh được bằng lối sống lành mạnh (không hút thuốc, không lạm dụng bia rượu, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thân thể thường xuyên).

Thay đổi hành vi, lối sống

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, phòng BKLN bằng cách bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, ăn 400g rau, quả/ngày, hạn chế thức ăn nhiều dầu, mỡ, nhiều năng lượng, giảm nửa lượng muối ăn hằng ngày và hạn chế tiêu thụ đường tự do. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, với chế độ ăn 2.000-2.400kcal, khuyến cáo 25-50g đường/ngày. Mức tốt nhất là 25g, có lợi ích cho sức khỏe.

Ngoài dinh dưỡng, kết hợp vận động thể lực gồm nhiều hình thức: vận động thông qua các công việc, sinh hoạt hàng ngày; đi lại (đi bộ, leo cầu thang…); vui chơi giải trí (khiêu vũ, trò chơi vận động), tập thể dục. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo hoạt động thể lực mức độ vừa ở người từ 18-64 tuổi: 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Bài, ảnh: Đ. LÝ

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/benh-khong-lay-nhiem-he-qua-tu-loi-song-a131490.html