Bệnh gout và những biến chứng nguy hiểm cho xương khớp và thận

Theo khảo sát, 95% các trường hợp bị gout (gút) xảy ra ở nam giới. Bệnh gây ra đau đớn kinh khủng cho bệnh nhân. Biến chứng nguy hiểm của gout là có thể dẫn đến viêm khe thận, cầu thận, sỏi thận và nặng hơn là suy thận.

Đã gần 10 năm ông Nguyễn Quang Niềm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phải sống chung với căn bệnh gout. Đặc biệt, do không tuân thủ đầy đủ chế độ ăn uống nên 2 năm trở lại đây các khớp tay, chân của ông bị sưng, nổi các hạt tophi. Do quá đau, không thể đi lại nên ông phải nhập viện điều trị.

Theo các bác sỹ tại Khoa Nội thận tiết niệu, cơ xương khớp (BVĐK Hà Tĩnh) - nơi trực tiếp điều trị cho ông Niềm, tình trạng bệnh là rất nặng, các hạt tophi đã nổi khắp người. Đặc biệt tại khớp chân, các hạt topi đã bị vỡ nên buộc phải phẫu thuật.

Bệnh gút khiến các khớp tay, chân bị sưng, nổi các hạt tophi, gây đau đớn và đi lại, sinh hoạt khó khăn

Bệnh gút khiến các khớp tay, chân bị sưng, nổi các hạt tophi, gây đau đớn và đi lại, sinh hoạt khó khăn

Bệnh nhân Niềm là một trong rất nhiều trường hợp bị gout đang được điều trị tại Khoa Nội thận tiết niệu, cơ xương khớp. Theo khảo sát, 95% các trường hợp bị gout xảy ra ở nam giới, với độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.

Bác sỹ Lê Viết Anh – Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, cơ xương khớp: Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân.

Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian, khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn kinh khủng cho bệnh nhân.

95% số người bị gout là nam giới và ở độ tuổi trung niên.

Được biết, bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh gout phần lớn là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp, lạm dụng nhiều rượu bia và chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều chất đạm. Hầu hết người bị gout thường không phát hiện sớm được bệnh nên không có ý thức điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp dẫn đến bệnh ngày một nặng.

Không điều trị kịp thời, gout có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho thận.

“Nếu không được điều trị đúng hoặc có bệnh mà không được điều trị, bệnh nhân bị bệnh gout phải đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như: tổn thương xương khớp. Người bệnh gout phải đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại khớp, đầu xương. Khi các hạt tophi bị loét vỡ, vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp tới khớp xương, người bệnh gout còn phải đối diện với các nguy cơ tổn thương thận.

Bệnh nhân gout có thể có những tổn thương tại thận, chủ yếu là viêm ở khe thận, cầu thận. Nồng độ axit uric trong máu tăng cao và được đào thải qua đường nước tiểu là điều kiện thuận lợi để muối urat lắng đọng tại hệ thống dẫn niệu, gây sỏi thận. Chính những tổn thương này là lý do khiến bệnh nhân gout dễ mắc suy thận” – bác sỹ Anh cho biết thêm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng tránh cũng như khống chế bệnh gout một cách hiệu quả nhất ngoài việc phải thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ thì bản thân người bệnh gout cần có một chế độ ăn uống phù hợp, kiêng những loại thực phẩm, nước uống.... có khả năng làm tăng nhanh lượng acid uric máu.

Ngoài ăn nhiều loại quả, canh, rau, bệnh nhân bị gout cũng cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mỏi mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất như tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress...

Phúc Quang

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/benh-gout-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-cho-xuong-khop-va-than/185748.htm