Bệnh gì khi chỉnh kính liên tục mắt vẫn không nhìn thấy?

Giác mạc chóp tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh, chỉnh kính không đạt thị lực tối đa, hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực trầm trọng, không cải thiện kể cả khi chỉnh kính...

Năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA mới công nhận CrossLinking là kỹ thuật duy nhất có thể làm dừng tiến triển bệnh lý giác mạc chóp

Năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA mới công nhận CrossLinking là kỹ thuật duy nhất có thể làm dừng tiến triển bệnh lý giác mạc chóp

Tối 29/11, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tổ chức Hội thảo “Những ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao về nhãn khoa trên thế giới và tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND”. Đây là dịp để các chuyên gia nhãn khoa đầu ngành trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về mắt.

Các nghiên cứu về nhãn khoa chỉ ra, bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, giác mạc chóp, bệnh lý lỗ hoàng điểm… ngày càng gia tăng, trở thành nguyên nhân gây giảm, mất thị lực và mù lòa hàng đầu nếu không điều trị kịp thời. Các bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực và sự độc lập trong cuộc sống, tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Trong đó đáng lưu ý là bệnh lý giác mạc chóp. Đây là bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi, đa phần ở giới trẻ, xuất hiện khi liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường.

Giác mạc chóp tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh, chỉnh kính không đạt thị lực tối đa, hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực trầm trọng, không cải thiện kể cả khi chỉnh kính, nặng hơn dẫn tới đục/sẹo giác mạc. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng phương pháp ghép giác mạc để lấy lại một phần thị lực.

ThS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Khúc xạ cho biết thêm “mặc dù là bệnh lý nguy hiểm, nhưng giác mạc chóp rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực. Nguyên nhân vì trước đây, giác mạc chóp được chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán cũ trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ cũ (Topography). Theo tiêu chuẩn này, máy chụp vùng trung tâm giác mạc với đường kính khảo sát nhỏ, nên chỉ có thể đánh giá được mặt trước của giác mạc. Vì vậy, giác mạc chóp được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có sự thay đổi rõ ràng về hình dạng giác mạc.

Hiện tại, theo tiêu chuẩn chẩn đoán mới Belin ABCD 2015 trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ mới (Tomography) ứng dụng duy nhất trên dòng máy Pentacam, camera kép có thể chụp toàn bộ 360 độ của giác mạc, giúp đánh giá được đầy đủ hình thể, thông số mặt trước, mặt sau của giác mạc, tính toán chính xác các chỉ số về quá trình thay đổi của giác mạc, cho ra cơ sở dữ liệu đầy đủ và chi tiết”, Ths. BS Thu Hà nhấn mạnh.

Theo BS Hà hiện có rất nhiều phương pháp điều trị giác mạc chóp. Trong giai đoạn tiến triển của bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng kỹ thuật hỗ trợ làm bền vững giác mạc CrossLinking, đặt ring trong nhu mô giác mạc, kết hợp sử dụng kính gọng… để cải thiện thị lực.

Đặc biệt, với kỹ thuật Crosslinking, bệnh nhân giác mạc chóp sẽ tăng độ bền vững của giác mạc,ngừng tiến triển bệnh lý giác mạc chóp, cải thiện thị lực khi chỉnh kính tối đa, cải thiện về hình dạng giác mạc: Giảm công suất giác mạc, giảm bán kính cong mặt trước, giảm bán kính cong mặt sau. Chiều dày giác mạc sau điều trị gần như không có sự thay đổi.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/benh-gi-khi-chinh-kinh-lien-tuc-mat-van-khong-nhin-thay-post283413.info