Bệnh 'đột quỵ… thanh quản' tưởng xa vời mà ai cũng có thể mắc

Chỉ sau một chầu nhậu hoặc bảo vệ thanh quan không đúng cách trong ngày lạnh bạn có thể bị mất tiếng ngay sau đó.

Sau một chầu bia với bạn, anh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) không thể cất nên lời, dù chiều cùng ngày anh phải chủ trì một cuộc họp. Dù đã tìm mọi cách nhưng cuối cùng anh đành bất lực hủy cuộc họp, gây phiền toái cho không ít người.

Bệnh đột quỵ thanh quản dễ gặp khi trời lạnh. Ảnh minh họa

Bệnh đột quỵ thanh quản dễ gặp khi trời lạnh. Ảnh minh họa

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, BS chuyên khoa tai - mũi – họng, BV ĐH Y Hà Nội cho biết trường hợp của anh Tuấn chỉ là một trong nhiều ca bệnh gặp phải tình cảnh tương tự mà bà đã từng điều trị.

Theo đó, có nhiều người sáng ngủ dậy bỗng phát hiện mình không thể nói được. Trong đó có những ca sĩ đang hát thì đột ngột mất tiếng, những quý ông sau một bữa nhậu với bia rượu rồi... không thể cất được lời.

“Trong đó, một số bệnh nhân sau phẫu thuật như phẫu thuật tuyến giáp đã không nói được hoặc lạc giọng, nói rất khó khăn... Những biểu hiện mất hẳn tiếng nhanh chóng như vậy được gọi là "đột quỵ thanh quản", PGS. TS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

Theo PGS Đào, với một người bình thường, mất đi phương tiện giao tiếp là giọng nói, kể cả trong thời gian ngắn cũng đã rất khó chịu, nhưng nếu là ca sĩ, MC, giáo viên... những người thường xuyên làm việc bằng giọng nói thì đây thật sự là một cú "sốc" về tâm lý.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như viêm xoang mũi, viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản, viêm thanh quản cấp dị ứng…

“Nhiều trường hợp bị lạc giọng, mất hẳn tiếng thường là hậu quả của viêm mũi xoang, sau 3 - 5 ngày dịch mũi chảy xuống họng, bệnh nhân thấy khô cổ, giọng nói nặng dần rồi mất hẳn sau một đêm ngủ dậy.

Trong trường hợp này, nếu từng một lần bị mất tiếng, bạn có thể lại thấy hiện tượng chảy dịch xuống họng rồi giọng nói đục dần - ngay lập tức phải đi khám bác sĩ tai mũi họng để được xác định và điều trị bệnh kịp thời (như sử dụng kháng sinh, kháng viêm, điều trị tại chỗ của mũi xoang và tại thanh quản)”, PGS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

Bí quyết bảo vệ cổ họng, phòng ngừa thanh quản khi trời lạnh

Mỗi sáng trước khi đánh răng bạn nên nhúng bàn chải vào cốc nước muối nóng, tẩy sạch các vi khuẩn bám trên bàn chải. Nguồn nhiễm khuẩn ở bàn chải đánh răng rất lớn vì khi để qua đêm, bàn chải có thể trở thành nguồn lây nhiễm vi khuẩn và tạo ra những vấn đề ở cổ họng, miệng.

Nhai một lá bạc hà vào mỗi buối sáng, bạn có thể bảo vệ cổ họng trước các loại vi khuẩn. Lá bạc hà có chất khử trùng tự nhiên và có ích trong việc chữa trị viêm họng.

Bạn có thể trộn khoảng 3g - 4g nước ép củ gừng tươi với 5ml mật ong và uống vào mỗi buổi sáng, sau khi đánh răng để bảo vệ cổ họng cả ngày.

Bạn có thể uống nửa cốc nước nóng hòa với 5g muối và một nhúm bột nghệ vào mỗi tối , đặc biệt trong những mùa dễ bị dị ứng, để bảo vệ cổ hong. Củ nghệ có đặc tính chống dị ứng, giúp bảo vệ cổ họng chống lại các nguồn lây bệnh do dị ứng.

Tập thói quen súc miệng bằng nước ấm hoặc dấm vào mỗi tối trước khi đi ngủ và sau khi đánh răng. Thói quen này giúp tẩy sạch cổ họng và miệng, giúp bảo vệ cổ họng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

Uống nhiều nước, tránh chất cồn và cà phê. Dây thanh quản của bạn rung động rất nhanh, lượng nước đầy đủ sẽ giúp thanh quản hoạt động trơn tru. Những thức ăn chứa nhiều nước sẽ giúp ích cho cổ họng bạn giữ ẩm như nho, táo, lê, dưa hấu...

Diệu Tâm (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/benh-dot-quy-thanh-quan-tuong-xa-voi-ma-ai-cung-co-the-mac-79815-9.html