Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 3 ngày (từ ngày 14-6 đến 16-6), bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã phát sinh tại 640 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 23 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 13.064 con lợn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như vậy, đến ngày 16-6, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 23.125 hộ chăn nuôi (chiếm 28,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.150 thôn, tổ dân phố của 439 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 387.528 con lợn (chiếm 20,7% tổng đàn).

Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn 65.983 con (chiếm 53,9% tổng đàn), Đông Anh: 38.894 con (chiếm 49% tổng đàn), Quốc Oai 28.503 con (chiếm 44,5% tổng đàn), Chương Mỹ 26.337 con (chiếm 10,8% tổng đàn lợn của huyện)...

Nguyên nhân lây lan bệnh DTLCP, là do: Bệnh dịch này là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; việc sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi hiện còn phổ biến, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong thời gian qua tăng cao để phục vụ cho các hoạt động trong dịp Tết và các lễ hội đầu năm nên thời gian qua dịch bệnh đã tiếp tục lây lan mạnh trên diện rộng.

Thành phố Hà Nội tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao. Cùng với đó, việc giết mổ nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao... nên việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn.

Việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng. Người, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chưa áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học; đặc biệt lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh.

T.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/benh-dich-ta-lon-chau-phi-van-dien-bien-phuc-tap-152252.html