Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Bệnh đau mắt đỏ mặc dù không nằm trong số các bệnh truyền nhiễm phải cảnh báo, tuy nhiên đây là bệnh dễ lây lan và thường lây ở diện rộng, nên người dân cần phải đề phòng, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Bác sĩ khám cho trẻ bị đau mắt đỏ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Tú

Bác sĩ khám cho trẻ bị đau mắt đỏ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Tú

Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan về mắt.

* Không nên chủ quan

Bệnh đau mắt đỏ thường gọi là viêm kết mạc cấp, có biểu hiện ngứa, cộm, chảy nước mắt, đau nhức, sợ ánh sáng, mắt đỏ… Tuy bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần nhưng nếu không được vệ sinh và sử dụng thuốc đúng cách thì bệnh cũng có những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe và làm trẻ khó chịu.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Tiến, Khoa Mắt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi năm, khoa tiếp đón khoảng 2 ngàn bệnh nhân tới khám bệnh, trong số này có khoảng 70% là khám bệnh về đau mắt đỏ. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus adenovirus hoặc do vi khuẩn như: liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là trẻ nhỏ, thường nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị mệt mỏi, nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây lan rất cao và dễ gây thành dịch trong cộng đồng. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành thông qua các chất tiết của đường hô hấp, nước bọt và dịch tiết của mắt khi dùng chung khăn mặt, cốc nước, các vật dụng dính chất tiết của người bệnh hay tắm chung hồ bơi. Bệnh đau mắt đỏ có thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày. Sau đó trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng ngứa, cộm, chói, đau nhức, đỏ mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và tiết nhiều ghèn mắt.

* Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết, khi trẻ bị đau mắt đỏ người nhà cần đưa trẻ đến khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa nhi hay khoa mắt, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ. Một số loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường có chứa corticoid có thể khiến trẻ bị loét giác mạc, tăng nhãn áp gây mù lòa. Không nên tự điều trị theo cách dân gian như: nhỏ mắt bằng sữa mẹ, đắp lá, chữa mẹo, vì có thể làm bệnh nặng hơn.

Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ đi bơi trong mùa dịch đau mắt đỏ. Đeo kính cho trẻ khi đi đường để tránh bụi. Cho trẻ tập luyện thể thao và chế độ ăn đầy đủ vitamin để tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, do bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh nên người bệnh cần có ý thức không nên sờ vào mắt đau, không bắt tay người khác, không dùng chung khăn mặt...

Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì vậy người lớn cũng luôn cân nhắc trẻ ý thức phòng lây lan cho trẻ khác, hạn chế dụi tay vào mắt, khi dụi mắt phải rửa tay bằng xà phòng để tránh lây lan cho người khác. Dùng gạc diệt khuẩn lau, thấm nước mắt, ghèn phải bỏ vào túi riêng, vứt vào thùng rác, không vứt bừa bãi… Quan trọng nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi đi từ nơi công cộng về nhà, khi cầm, nắm cửa, nút bấm cầu thang… và tránh đưa tay lên mắt.

Thanh Tú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/benh-dau-mat-do-o-tre-em-2989488/