Bênh con bố đánh bạn lớp 1: Yêu con hay hại con?

Nếu đó không phải là lối suy nghĩ ích kỷ, kiểu con 'ông' chỉ 'ông' mới được đánh thì cũng là cách phản ứng của người quen dùng vũ lực...

Vì yêu con?

Hành vi của một phụ huynh đến tận trường đánh bé trai lớp 1 trường Tiểu học Hữu Nghị (TP. Hòa Bình) vì bênh con vẫn khiến dư luận bức xúc, lên án.

Gia đình học sinh có con bị đánh đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Gia đình học sinh có con bị đánh đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Ông Lê Như Tiến - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, việc lấy sức, lấy uy của một người lớn để uy hiếp, đe dọa, đánh đập một đứa trẻ mới 6 tuổi là không thể chấp nhận được. Đối với một đứa trẻ, khi giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc cần giáo dục, giải thích cho trẻ hiểu điều nên làm và không nên làm. Tuyệt đối không dùng bạo lực, lôi đi đánh tới mức chảy máu như vậy.

Không đồng tình với giải thích kiểu vì bênh con mà có hành xử côn đồ, mất kiểm soát, vị chuyên gia nói thẳng đây một lối suy nghĩ nhỏ mọn kiểu "trả thù" thấp kém.

"Tôi không tin vì quá yêu thương con cái mà người bố lại lao vào đánh một đứa trẻ 6 tuổi ngay trước mặt con. Không ai yêu con mà giáo dục, bênh con kiểu như vậy cả.

Nếu không phải là lối suy nghĩ ích kỷ, kiểu con "ông" chỉ "ông" mới được đánh thì cũng là cách phản ứng của người quen dùng vũ lực, luôn giải quyết mọi vấn đề bằng vũ lực", ông Tiến nói.

Theo vị chuyên gia, thực tế, có trường hợp bố mẹ đã dạy con không được để bạn bắt nạt, nếu bị đánh phải lao vào đánh lại hoặc không được để bạn đánh mình trước và coi đây là hành động tự bảo vệ mình. Thậm chí, có trường hợp còn nói rõ rằng, "tao sinh mày ra nếu tạo không đánh mày thì không ai được đánh". Còn khi chứng kiến con mình đánh được bạn, họ lại cổ vũ, xem con như anh hùng...

"Nếu cứ giải thích cho các hành vi bạo lực, côn đồ là vì tự vệ, để bảo vệ mình thì sẽ biến xã hội thành một xã hội bạo lực, chỉ có đánh đấm.

Và thực trạng này cũng góp phần lý giải hiện tượng ngày càng nhiều những vụ học sinh đánh nhau, học sinh phạm pháp, con cái hắt hủi, đánh đập, bạo hành cha mẹ. Nguyên nhân cũng từ chính cách giáo dục, từ lối suy nghĩ ích kỷ của người lớn đã ảnh hưởng tới tâm lý, tới quá trình phát triển, hình thành tính cách của một đứa trẻ.

Người lớn chính là tấm gương phản chiếu cho con trẻ, ngày hôm nay bố có thể dùng bạo lực đánh bạn thì ngày mai đứa trẻ lớn lên cũng có thể sử dụng bạo lực để đánh những đứa trẻ khác, thậm chí là đánh lại chính bố mẹ, người thân", ông Tiến cảnh báo.

Từ phân tích trên, ông Tiến khẳng định ngay, hành vi của người bố trong câu chuyện này không phải để giúp con mà là đang hại con. Cách hành xử hung hăng, côn đồ, bạo lực sẽ khiến đứa trẻ có tâm lý ỉ lại, cậy cha, cậy mẹ, luôn nghĩ tới việc dùng bạo lực để giải quyết khúc mắc trong các mối quan hệ với bạn bè và xã hội.

"Những đứa trẻ vừa được sinh ra đã không được dạy về lòng bao dung, vị tha, sinh ra đã là những ông vua con, trong gia đình không ai dám động tới thì khi lớn lên, ra ngoài xã hội hống hách ngang tàng, không tôn trọng bố mẹ, ông bà...", ông Tiến nói.

Do đó, ông Tiến cho rằng cần phải mạnh mẽ lên án và xử lý nghiêm với hành vi của người bố trong vụ việc này. Việc này nếu áp dụng các điều khoản Luật bảo vệ trẻ em sửa đổi sắp tới, hành vi trên có thể coi là hành vi bạo lực, có thể bị truy tố trước pháp luật.

Bố đánh bạn lớp 1 vì bênh con: Bênh con mù quáng

Nhà trường cũng không còn an toàn

Đồng quan điểm, LS Trần Thị Ngọc Nữ cũng khẳng định, cách hành xử côn đồ của phụ huynh trên ngay trước trường học là không thể chấp nhận được, cần bị xử lý nghiêm.

Ở đây, trước hết bà Nữ yêu cầu làm rõ thái độ, trách nhiệm của phía nhà trường, bảo vệ nhà trường và ngay cả những người phụ huynh chứng kiến vụ việc nhưng không có hành động can ngăn kịp thời cũng cần bị phê phán.

Theo bà Nữ, ở môi trường giáo dục trẻ em phải được hưởng những quyền lợi, được bảo vệ an toàn tối đa. Tuy nhiên, vụ việc cho thấy sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh và cả phía nhà trường đã không bảo đảm cho học sinh có được một môi trường giáo dục an toàn, khiến học sinh bị dẫn đi ngay trước cổng trường và bị đánh tới chảy máu như vậy.

"Liệu còn phụ huynh nào dám tin tưởng gửi gắm con em mình tới trường nếu chứng kiến cảnh con mình bị đánh tóe máu như vậy mà nhà trường không biết, không phản ứng, không can ngăn được? Học sinh nào dám đến lớp khi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết mình có bị đánh hay không? Tôi cho rằng, trách nhiệm của nhà trường trong trường hợp này cũng cần phải xem xét nghiêm túc", bà Nữ noi.

Tiếp theo, bà Nữ cũng lên án cách hành xử của người bố đồng thời cũng yêu cầu cơ quan pháp luật phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh để lấy lại lòng tin cho phụ huynh, học sinh cũng như trả lại sự an toàn cho môi trường giáo dục.

Bà Nữ khẳng định, dù giải thích thế nào cách hành xử của người bố nói trên cũng không thể tha thứ được.

"Không thể nói rằng vì bênh con mình mà lao vào đánh con người được. Bênh con mình mà đánh bạn thì đứa trẻ lớn lên sẽ nghĩ thế nào? Liệu nó có tự hào về hành động bênh con của bố hay sẽ lại là tấm gương phản chiếu để đứa trẻ học theo, làm theo và ứng xử theo cách của bố? Như vậy thì cần phải hiểu đây không phải là bênh con, bảo vệ con mà là đang hại con", bà Nữ nhấn mạnh.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/benh-con-bo-danh-ban-lop-1-yeu-con-hay-hai-con-3414911/