Bệnh bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp

Tính đến ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong đó Gia Lai có 20 trường hợp.

Cần tiêm vaccine để phòng chống bệnh bạch hầu.

Cần tiêm vaccine để phòng chống bệnh bạch hầu.

Chiều 22/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 19 dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân là Đàm Thị H., sinh năm 1982, dân tộc Nùng, ở buôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Khai báo tiền sử dịch tễ bệnh nhân như sau: Ngày 19/7, bệnh nhân khởi bệnh với triệu chứng mệt mỏi, sốt, đau họng, khó nuốt, viêm amidan, hạch dưới hàm sưng to, có giả mạc. Sau đó, tại cơ sở y tế, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bạch hầu và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Đến chiều 21/7, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, trước và trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân Đàm Thị H không đi đâu xa. Xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống cũng không có trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Trước đó, ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận trường hợp thứ 18 dương tính với vi khuẩn bạch hầu là Nguyễn Văn Q., sinh năm 2001, ở buôn Tâng Rang B, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, nâng tổng số ca mắc bạch hầu ở huyện Krông Bông lên 3 trường hợp.

Tính đến ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại năm địa phương gồm các huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Bông, Lắk và M’Đrắk.

Tại Gia Lai, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, địa phương đã ghi nhận 20 ca dương tính với bạch hầu tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang) và làng Bok Rei (xã Đak Smei), cùng huyện Đak Đoa (Gia Lai).

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai lực lượng xuống khoanh vùng tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang), phun thuốc khử trùng. Đồng thời triển khai khám sàng lọc, phát thuốc uống phòng, chống bạch hầu.

Những trường hợp nghi ngờ sẽ được đưa vào bệnh viện theo dõi, điều trị; Đồng thời ngành Y tế cũng tiến hành điều tra, truy vết những người đã tiếp xúc với người trong làng trong thời gian qua để hướng dẫn người dân tự cách ly và dùng thuốc để diệt khuẩn, tránh lây lan.

Hiện tại ở làng Bông Hiot (xã Hải Yang) và Bok Rei (xã Đak Smei) lực lượng chức năng đã thành lập chốt chặn kiểm tra, phun thuốc khử trùng các phương tiện di chuyển và nhà dân. Ngay khi phát hiện ổ dịch, ngành Y tế đã triển khai tiêm vắc xin cho người dân ở những nơi có ca dương tính với bạch hầu để phòng, chống dịch bệnh lây lan.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, ngày 22/7, Bộ Y tế gửi Công văn số 3908/BYT-DP đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế một số nội dung như: Triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu; Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong; Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh; Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng; Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td)…

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở GDĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, đài, báo của các tỉnh phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở với ngôn ngữ phù hợp với đồng bào dân tộc để cung cấp các thông tin cần thiết, các khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống…

Đức Trân – PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/benh-bach-hau-van-dien-bien-phuc-tap-491848.html