Bệnh bạch hầu 'trở lại' Tây Nguyên khiến 2 người tử vong

Trong thời gian ngắn vừa qua, ngành y tế tỉnh Kon Tum ghi nhận đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu trên địa bàn.

Chỉ trong vòng hai tuần qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc...

Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định, có 2 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, gồm 1 bệnh nhân nữ (26 tuổi, ở huyện Tu Mơ Rông) và 1 bệnh nhân nam (14 tuổi, ở huyện Đăk Tô).

Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân nam đột ngột tử vong do biến chứng. Như vậy cùng với bệnh nhân ở huyện Đăk Hà tử vong trước đó, thời gian ngắn vừa qua ngành y tế tỉnh Kon Tum ghi nhận đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu.

Các trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu đang được cách ly điều trị - Ảnh: VOV.

Điều đáng nói là suốt 11 năm qua, Kon Tum thậm chí không có ghi nhận ca mắc bệnh này.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum, đa số những trường hợp mắc bệnh bạch hầu thuộc lứa sinh năm 1992 về trước. Thời điểm này, điều kiện còn khó khăn, còn nhiều xã trắng về công tác tiêm chủng. Những đối tượng này không được tiêm chủng nên họ đã bị mắc bệnh bạch hầu.

Hiện tại cùng với bệnh nhân đã được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu, còn 3 bệnh nhân khác đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tất cả các trường hợp đều được cách ly điều trị.

Trước tình trạng bệnh bạch hầu bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Kon Tum khẩn cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan, đồng thời cũng đã liên hệ với Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ để có thuốc kháng độc tố bạch hầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên nhanh nhất cũng phải 2 tuần thì Bệnh viện Đa khoa địa phương mới có thể tiếp nhận được nguồn thuốc kháng độc tố bạch hầu.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết biểu hiện của bệnh bạch hầu ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu - họng, nếu nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ.

Bệnh bạch hầu dễ bị nhầm thành viêm họng - ảnh minh họa.

Tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa khi các mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở; ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ bị phóng thích gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong.

Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp hơn ở trẻ em 3-4 tuổi trở lên. Ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%, trong khi ở trẻ em thì bệnh thường nặng và khó tự khỏi hơn.

Nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim thì rất khó cứu. Để phòng chống bệnh chỉ có cách duy nhất là tiêm phòng để tăng miễn dịch phòng bệnh.

Hiện nay cái khó của bệnh để người dân quan tâm hơn đó là các triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu có thể tương tự như của một nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo khi có những triệu chứng đau họng nghiêm trọng hoặc không có khả năng nuốt, cổ sưng, khó thở, tức ngực, cực kỳ suy yếu và tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bạch hầu, sốt là phải đến cơ sở y tế ngay.

Bạch hầu không phải là bệnh có thể được quản lý ở nhà. Trường hợp đã nghi ngờ là bệnh bạch hầu nên nhập viện kịp thời.

Minh Minh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/benh-bach-hau-tro-lai-tay-nguyen-khien-2-nguoi-tu-vong-a247578.html