Bền vững ngân sách và thách thức nhiệm vụ thu năm 2020

Năm 2019 sắp đi qua, dự kiến thu ngân sách nhà nước sẽ vượt dự toán khoảng 5%. Đặc biệt, các khoản thu của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đều đạt mục tiêu. Đây là bước đệm quan trọng để hoàn thành dự toán 5 năm 2016-2020. Việc còn lại là vượt qua những thách thức của năm cuối giai đoạn.

Thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu cốt lõi, quan trọng. Ảnh: Thùy Linh.

Thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu cốt lõi, quan trọng. Ảnh: Thùy Linh.

Có thể vượt dự toán 5%

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 1.253,16 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số thu ngân sách nhà nước đã ở ngưỡng 90% dự toán khi chỉ 1,5 tháng nữa là năm 2019 kết thúc. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.016,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,6% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2018. Riêng số thu nội địa tháng 10 tăng khoảng 57,7 nghìn tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu do thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế chế độ cho phép được thu theo quý.

Tính đến hết tháng 10, có 7/12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt khá so với dự toán và cao hơn mức thu bình quân chung (86,6% dự toán) như thu về nhà, đất (117% dự toán), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (98,5% dự toán), thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (139,4% dự toán),...; 5/12 khoản thu thấp hơn mức bình quân chung, bao gồm cả 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, chiếm gần 54% số thu nội địa (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 78,7% dự toán, tăng 9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,3% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 82,8% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2018); riêng thuế Bảo vệ môi trường mới đạt 72,3% dự toán, chủ yếu do sản lượng xăng, dầu tiêu thụ không đạt như dự kiến (đạt 68,2% kế hoạch, giảm 1,9% so cùng kỳ). Ước tính cả nước có 55/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 82%), trong đó 47 địa phương thu đạt trên 85% dự toán; so với ước thực hiện cùng kỳ năm 2018, có 56 địa phương thu cao hơn, 7 địa phương thu thấp hơn là: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước và Hậu Giang.

Thu từ dầu thô ước đạt gần 50 nghìn tỷ đồng trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán trong tháng khoảng 950 nghìn tấn, giá dầu thanh toán khoảng 66,5 USD/thùng, tăng 1,5 USD/thùng so giá dự toán.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2019 ước đạt 289,95 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện khoảng 2.809 cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu vào ngân sách nhà nước khoảng 1.555 tỷ đồng; thu hồi và xử lý khoảng 680 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu nợ đọng.

Trong bản báo cáo về ngân sách nhà nước năm 2019 gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm nay sẽ vượt 3,3% dự toán, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, con số vượt có thể trên 5%. Đáng mừng là năm 2019 chắc chắn sẽ là năm thứ 4 liên tiếp vượt thu của ngân sách Trung ương (NSTW) với con số ước tính khoảng 8-11 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi, chiếm tới trên dưới 40% tổng thu trong khi các khoản thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ chiếm 6% và thu quyền khai thác khoáng sản chỉ chiếm 0,3% tổng thu ngân sách nhà nước. Từ đó có thể khẳng định, thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững.

Thách thức từ sản xuất, kinh doanh

Trong tính toán của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Để đạt con số này, chiều 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng thu là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Dự toán này tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Trong đó, thu nội địa dự kiến tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 83,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Đặc biệt, số thu từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh) sẽ chiếm tới 45% tổng thu. Đây là một thách thức lớn bởi số thu này thời gian qua còn nhiều khó khăn, thường xuyên không đạt dự toán.

Theo lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, có một phần nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán. Những năm qua, do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chiếm 2,3% tổng thu ngân sách nhà nước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8% và thu từ tiền sử dụng đất chiếm 6%, cho nên dự toán thu hàng năm tập trung vào 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước và cũng tập trung vào các địa phương trọng điểm kinh tế. Về vấn đề này, năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội và từng bước điều chỉnh sát hơn với thực tiễn, thể hiện, số địa phương không đạt dự toán thu nội địa không kể tiền đất và xổ số kiến thiết đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2017 là 34 địa phương thì đến năm 2018 còn 22 địa phương và dự kiến năm 2019 còn 15 địa phương. Tuy nhiên, việc dự báo nguồn thu ở địa phương cũng có nhiều khó khăn, như khi xây dựng dự toán, đánh giá trong năm tới năng lực sản xuất của địa phương sẽ tăng lên do 1 hoặc 2, hoặc 3 dự án mới đi vào hoạt động nhưng thực tế chậm tiến độ dẫn đến giảm thu trong năm. Hay một số địa phương có thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối diện với thách thức này, bên cạnh việc cân đối dự toán, nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra. Đó là điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Ngoài ra, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, việc quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế phải được tăng cường bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý,…

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ben-vung-ngan-sach-va-thach-thuc-nhiem-vu-thu-nam-2020-115218.html