Bên ven bờ sông Chanh

t trời hoe hoe nắng, nhưng vẫn không xua tan được cái lạnh tái tê từ làn gió mùa đang ràn rạt thổi về. Từng vạt lá khô theo gió cuộn thành từng luống,... từng luống lăn dài theo dọc phố, trườn xuống dốc cầu phà cũ, rồi loang ra trên mặt sông. Cạnh nhà thờ Tranh Giang, một cành bàng già vươn ra khỏi bờ kè chắn sóng, xòe mấy ngón tay khẳng khiu chỉ còn đeo độc một chiếc lá đỏ quạch. Nó như đang cố soi mình trên mặt nước vừa vơi ngấn chân bờ.

Mỗi đợt gió lạnh ào đến, thân chiếc lá lại run lên lật bật như muốn cầu cứu, níu kéo thêm phút thời gian khép lại của đời mình. Cuối cùng, nó cũng phải tung lên theo chiều gió, xoay tròn mấy vòng rồi rơi khẽ xuống mặt sông. Nước lặng lẽ ôm lấy xác nó cuốn trôi về hướng biển - về với bắt đầu của sự sống cổ xưa!

Đứng trên cầu tàu Bến Ngự - Nơi đang lưu giữ dấu tích xây dựng những năm 70 của thế kỷ trước. Mặt kè đá đã nứt nẻ vài ba chỗ nhưng vẫn còn sử dụng được. Tôi nheo mắt đứng nhìn về phía tây và phía đông dòng sông. Cảnh ngay trước mắt mà như vẫn không thấy cây cầu bê tông còm cõi đang gồng mình gánh đôi bờ kia. Vẫn không thấy hai bên bờ sông khấp khểnh bao mái nhà đang ghanh đua độ cao đương thời nọ.

Và vẫn không thấy vài công trình bên sông, người ta đang xây dựng, bày ra sắt thép, rác thải bừa bãi. Tất cả lại trở về với quang cảnh hoang sơ đẹp đến mê hồn của ngày xưa.

Ngày mà mới sớm sớm tiếng mõ tre lốc cốc đã rinh ran. Tiếng đập sào đã đèn đẹt vỗ lên mặt nước sông của mấy chiếc thuyền nghề lưới bén. Xuồng cứ lao đi lao lại vun vút, hệt như đang diễn tập lại trận cọc chiến Bạch Đằng lịch sử thời Trần triều. Rồi chỉ độ non tiếng thôi, lưới được vớt lên, tôm cá mắc trắng xóa nhiều vô kể. Ngày mà những chiều muộn. Con tàu khách Đà Nẵng cổ lỗ chạy bằng hơi nước vẫn đều đặn lịch trình từ bến Cửa Ông - Hải Phòng. Lúc sắp qua Quảng Yên. Thì từ xa, nó đã tu vang lên mấy hồi còi khàn đục, rồi mới xình xịch ghé vào Bến Ngự trả khách lên bờ.

Ngày mà những trưa nước lớn. Từng đàn cá heo lội ngược từ cửa biển Cát Hải vào săn mồi. Chúng vừa bơi vừa phì phò nhào lộn giống hệt diễn viên xiếc tài ba. Khiến cho lũ khán giả tau nhau chúng tôi đứng trên đê cứ reo hò, cổ vũ mãi khản cả giọng…

Ngày mà cuối cấp hai. Lứa bè bạn đang cảm tình Đoàn tuổi 14, 15 chúng tôi - Đứa chân trần, đứa đeo dép mới 8, 9 giờ sáng đã có mặt ở bến đò Lá Cống Vông chờ đò sang bờ bắc để vác tre về sửa lại khu tập thể giáo viên trường. Lần ấy cũng là lần đầu tiên tôi mục kích nhìn sang khu đồi Tiên Sơn - trấn lỵ Quảng Yên đang cháy rực màu hoa phượng đỏ khát khao - thật là đẹp, thật là khích lệ!

Sau đó là chiến tranh lan rộng ra ngoài Bắc. Bên bờ sông Chanh biết bao cánh buồm nâu đành khép lại ánh ngày, để len lỏi cắt biển đi trong đêm, chở lương thực vào tận tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh tiếp vận cho chiến trường.

Đó là mỗi năm đều có mấy lần con đò gỗ xoãi tay chèo, chở đầy lứa thanh niên nghĩa vụ và quân tình nguyện khu vực đảo Hà Nam sang bờ bắc đi tòng quân, đi thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn vào Nam. Trong số đó có người không bao giờ trở về với bến quê nữa. Để tận giờ, mỗi khi có dịp hè họp lớp. bao mái đầu đã hoa râm lại nhìn vào mắt nhau, lặng im một phút, rồi nghẹn ngào đọc tên mấy bạn mãi xa với lòng thương cảm vô bờ.

Thời gian khắc nghiệt là vậy, hồi ức vui buồn là vậy. Nó như nước dòng sông chảy mãi, chảy mãi một chiều không ngừng nghỉ. Bao thành công, phát triển hôm nay cũng là nối tiếp từ lớp người gian nan, mà hào hùng ngày nào, giống như lá vàng rừng thu kia vốn vẫn lớp lớp rơi đi, thì lại có lớp lớp mùa xuân bung chồi nảy nụ kế tiếp!

Đứng lặng trước chiều cuối năm, trên bến xưa tôi nhìn xuống mặt sông. Thấy khuất dưới gợn sóng lăn tăn xanh biếc hôm nay. Như vẫn còn bóng hình của lớp trai trẻ ngày ấy.

Trong vô thức, bất chợt có một bài ca ai hát từ đâu đấy cứ ngân vọng đến nghe xao xuyến cõi lòng: ''…Ôi những con thuyền giấy/ Những năm tuổi thơ/ Đã đi về đâu/ Để mình tôi nhớ nhung bây giờ...''.

Vũ Tháp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ben-ven-bo-song-chanh-297344.html