Bên tượng đài 'Trao áo' nghĩ về trách nhiệm đảng viên

Trong thời kỳ chiến tranh, Côn Đảo được biết đến như là 'địa ngục trần gian', nơi giam cầm hàng nghìn chiến sĩ cách mạng. Trong một chuyến đi Côn Đảo, đến thăm nghĩa trang Hàng Dương, tôi đã đứng lặng và có nhiều suy ngẫm trước một tượng đài ở hòn đảo lịch sử này: Tượng đài 'Trao áo'.

Tượng đài của chí khí cách mạng

Giữa đất trời Côn Đảo, tượng đài "Trao áo" được dựng bằng đá granit bền chắc. Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng ngẩng cao đầu, một tay nâng chiếc áo, một tay nắm chặt thể hiện sự quyết tâm cao độ. Bức tượng lấy cảm hứng từ hành động có thật của đảng viên Vũ Văn Hiếu trong nhà tù Côn Đảo.

Tượng đài “Trao áo” ở Côn Đảo.

Tượng đài “Trao áo” ở Côn Đảo.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907, quê quán ở ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là xóm 10, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu). Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí từng giữ nhiều trọng trách của Đảng tại khu mỏ Quảng Ninh, như Bí thư Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh...

Ngày 9/2/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt. Chúng đã kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố và đầy ra nhà lao Côn Đảo. Tháng 11/1936, đồng chí được trả tự do. Ra tù được ít ngày, đồng chí kịp thời bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, có thời gian được giao nhiệm vụ giúp việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; phụ trách cơ quan Văn phòng T.Ư Đảng.

Đêm 17 rạng sáng 18/1/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Chương, Phan Văn Voi… Tám tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, bị giam ở Banh 2 cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo, Phan Văn Voi…

Ra Côn Đảo một thời gian, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình. Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, đồng chí đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tôi có chết trần truồng cũng không sao, áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”. Đồng chí Lê Duẩn từ chối nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng, nói: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”.

Và đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cộng sản ấy đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi. Cảm phục và xúc động về tấm gương hy sinh anh dũng, vì đồng chí, đồng đội, suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của người cộng sản Vũ Văn Hiếu, nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ: “Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.

Không ngừng học tập, nêu gương

Câu chuyện về tượng đài "Trao áo" gợi cho mỗi chúng ta nhiều suy ngẫm về trách nhiệm, tinh thần nêu gương của mỗi đảng viên hôm nay. Từ khi Đảng ra đời đã có những đảng viên kiên trung, bất khuất, tin ở tương lai. Những người tù, những cộng sản bình dị mà gan góc, bất khuất kiên trung trước kẻ thù, nhân hậu thủy chung sắt son với đồng đội, đã góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Những người cộng sản đã làm nên giá trị, cốt cách sáng ngời, làm nên chiến thắng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và mãi mãi tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Ngày nay, khi một cán bộ, đảng viên nào đó có ý định làm việc gì trái với ý Đảng, lòng dân, trái với đạo đức cách mạng thì hãy xem lại, suy nghĩ về những tấm gương kiên trung, bất khuất, hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cộng sản đi trước. Tuy nhiên bên cạnh những “bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” thì vẫn có không ít, kể cả những người có chức vụ trong các cơ quan Đảng và Nhà nước mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Nhiều người bị kỷ luật, thậm chí vào vòng lao lý.

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) nêu những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng vẫn nóng hổi và mang tính thời sự. Trong quá trình đấu tranh cách mạng vì Độc lập-Tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, trong dựng xây đất nước, đảng viên cần hy sinh hạnh phúc riêng, thậm chí cả tính mạng của mình. Ngắm tượng đài “Trao áo”, mỗi chúng ta càng vững niềm tin. Tin rằng Đảng ta sẽ tiếp tục đưa đất nước ta, dân tộc ta lên tầm cao mới, được nhân dân tin yêu, gắn bó và trao trách nhiệm.

Bài, ảnh: Đào Hồng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/357551/ben-tuong-dai-trao-ao-nghi-ve-trach-nhiem-dang-vien.html