Bên trong Wikipedia

20 năm sau ngày ra đời, gần 300.000 biên tập viên tình nguyện dành thời gian của họ để viết, chỉnh sửa, quét mọi ngóc ngách bộ bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất thế giới.

Thật khó để tưởng tượng Internet không có Wikipedia. Bách khoa toàn thư kỹ thuật số là nguồn tài nguyên tối ưu về mọi thứ và cho mọi người.

Wikipedia có hơn 6 triệu danh mục bằng tiếng Anh, được truy cập hàng trăm triệu lần mỗi ngày, phản ánh bất kỳ điều gì trên thế giới: từ các trang web, hashtag thịnh hành trong tuần, những bộ phim Netflix và cả Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ.

Tiên phong cho nền kinh tế chia sẻ

Những năm 1970, khi Bộ Quốc phòng Mỹ và các công ty như IBM phát triển công nghệ máy tính, một phong trào nổi lên nhằm kết nối thiết bị thông qua thư điện tử, Internet lúc đó mới hình thành còn gọi là ARPANET.

Đến thập kỷ 80, Ward Cunningham tìm hướng đổi mới cách viết phần mềm. Ward là lập trình viên máy tính từng tìm hiểu về vô tuyến điện nghiệp dư. Ông mong ước có thể kết nối các máy tính thông qua cách tương tự.

 Wiki Wiki Web của Ward Cunningham biến Wikipedia trở thành một trong những nền tảng chia sẻ tiên phong. Ảnh: Telegraph.

Wiki Wiki Web của Ward Cunningham biến Wikipedia trở thành một trong những nền tảng chia sẻ tiên phong. Ảnh: Telegraph.

“Chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ về cách viết phần mềm. Lịch sử viết về việc lập trình máy tính như thể là những thuật toán. Chúng tôi cần một cách khác. Tuy nhiên, các kỹ sư không biết làm thế nào, khách hàng cũng không nói cho bạn biết họ muốn gì cho chiếc máy tính trên bàn làm việc của họ", Ward Cunningham chia sẻ.

Đến thập niên 90, Ward và vợ cùng điều hành công ty tư vấn máy tính mang tên Cunningham & Cunningham. Ông tạo kho lưu trữ mẫu Portland Pattern Repository để các lập trình viên khác xuất bản mẫu thiết kế phần mềm trên trang C2.com của mình. Nhờ đó, họ có thể làm việc tại nhà thông qua Internet.

“Tôi đã liên lạc với cộng đồng khoảng 500 người, sau đó lập trình trong 1-2 ngày. Khi vận hành, tôi bị choáng ngợp bởi tốc độ nhanh chóng của nó", ông chia sẻ.

Cunningham muốn người dùng có thể chỉnh sửa trang một cách nhanh chóng. Ban đầu, ông nghĩ đến cái tên "QuickWeb", nhưng sau đổi thành "WikiWikiWeb" vì nhớ đến tuyến xe buýt chạy giữa nhà ga sân bay Honolulu là Wiki Wiki Shuttle. Trong tiếng Hawaii, “wiki” nghĩa là nhanh chóng.

Ngày 25/3/1995, Ward Cunningham công bố phần mềm trên trang web công ty ông.

Sau đó một năm, tại Chicago, Jimmy Wales đang làm giao dịch viên cho công ty quyền chọn cổ phiếu. Ông quyết định cùng người đồng nghiệp Tim Shell thành lập công ty Internet mang tên Bomis.

“Shell chủ yếu phụ trách nội dung, trong khi tôi quản lý kinh doanh và phần mềm. Chúng tôi cố gắng thu hút được lượng truy cập càng nhiều càng tốt để hỗ trợ những ý tưởng kinh doanh khác. Chúng tôi thậm chí cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trưa và vài thứ tương tự", Jimmy chia sẻ.

Khi đó, vấn đề quan trọng là làm thế nào phân loại được khối lượng kiến thức vô tận trên web. Tháng 10/1999, Bomis cho ra mắt bộ bách khoa toàn thư mở Nupedia được viết bởi các tình nguyện viên. Các bài viết được kiểm duyệt qua quy trình 7 bước nghiêm ngặt, bao gồm việc kiểm duyệt bởi nhà chuyên môn. Wales đã thuê Tiến sĩ Triết học Larry Sanger, lúc đó cũng đang tìm hiểu về Internet, làm tổng biên tập cho Nupedia.

Jimmy Wales được coi là cha đẻ Wikipedia, trong khi Larry Sanger được xem như đồng sáng lập. Ảnh: Telegraph.

"Jimmy muốn tìm một nhà sử học hoặc triết gia để dẫn dắt dự án. Tôi khẳng định ngay thời gian đầu rằng bách khoa toàn thư không thể đáng tin cậy nếu không được giám sát bởi các chuyên gia. Nếu dự án mở cửa cho tất cả, nó càng đòi hỏi sự quản lý của các chuyên gia với quy trình đặc biệt nghiêm ngặt”, Larry Sanger cho biết.

Về lý thuyết, mọi bài đăng đều đáng tin cậy, nhưng tốc độ xuất bản khá chậm do đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Mùa thu năm 2000, Larry và Jimmy đồng ý rằng hoạt động chậm chạp của Nupedia là một vấn đề. Họ cố gắng tìm cách để ngay cả những người bình thường không có bằng cấp, chứng chỉ cũng có thể tham gia đóng góp dễ dàng.

Đến đầu thiên niên kỷ, phần mềm Cunningham tạo ra đã được sử dụng rộng rãi bởi các lập trình viên trên thế giới khi đó muốn chia sẻ mã code máy tính. Nhà sáng lập Nupedia biết mình cần phải làm gì để mọi thứ nhanh chóng hơn.

"Hello world"

Dự án mang tên Wikipedia.com sử dụng phần mềm của Cunningham ra mắt ngày 15/1/2001. Cái tên "Wikipedia" do Larry Sanger nghĩ ra, một sự kết hợp giữa "Wiki" và "encyclopedia" (bách khoa toàn thư).

Wikipedia ra đời để bổ trợ cho Nupedia. “Điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra nó bằng cách viết: “Hello world”. Điều này rất có ý nghĩa với các lập trình viên, vì khi viết một ngôn ngữ lập trình mới, điều đầu tiên bạn làm sẽ là viết từ này", Jimmy Wales nói.

Đến cuối tháng 1/2000, trên Wikipedia đã có khoảng 600 bài báo. Tháng 3, có hơn 1.300 bài và 2.300 bài vào tháng 4. Tháng 5, đã có 3.900 viết.

Đối lập với sự phát triển của Wikipedia là việc Nupedia ngày càng đi lùi. Sự chỉn chu, tỉ mỉ, hướng đến chủ nghĩa tinh hoa khiến trang web dần thưa thớt bài viết.

“Nếu làm việc trên Wikipedia, bạn sẽ nghĩ Nupedia thật nhàm chán. Ngược lại, bạn sẽ thấy Wikipedia thật kém uy tín nếu viết cho Nupedia. Tôi đã dành khoảng 80% thời gian trên Wikipedia và 20% cho Nupedia. Mong muốn của tôi là tạo ra một bách khoa toàn thư thú vị, và Wikipedia đã thành công hơn. Nhưng tôi không muốn từ bỏ Nupedia. Tôi muốn Nupedia trở thành một cơ chế đánh giá cho Wikipedia", Larry Sanger chia sẻ.

Biểu đồ hình tròn nội dung theo chủ đề trên Wikipedia vào tháng 1/2008. Ảnh: Mikael Häggström.

9 tháng sau ngày Wikipedia được thành lập, biến cố 11/9 diễn ra, gián tiếp thay đổi vĩnh viễn số phận trang bách khoa toàn thư này.

“Tôi nhớ mình thức dậy vào buổi sáng hôm đó, nghe tin về chiếc máy bay khủng bố đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Tôi lấy laptop, cố gắng truy cập vào The New York Times nhưng trang web không hoạt động. Tôi biết đây là do lưu lượng truy cập quá cao. Hàng triệu người đang tìm kiếm thông tin ngoài TV”, CEO Wikimedia Foundation, bà Katherine Maher nói.

"Người dân chỉ có thể tự suy đoán mọi thứ thông qua đoạn video sự việc lặp đi lặp lại. Lúc đó, Wikipedia thực sự đáp ứng một cách đầy đủ, toàn vẹn nhu cầu thông tin của độc giả", bà nói thêm.

Trong giây phút khủng hoảng, người dùng liên tục truy cập trang Wikipedia để tìm kiếm câu trả lời, cũng như bổ sung thông tin. “Đây là lần đầu tiên cộng đồng hưởng ứng trang web sau một sự kiện thời sự”, Jimmy Wales nhớ lại.

Trong khi đó, chỉ có khoảng hai mươi bài báo vượt qua hệ thống kiểm duyệt của Nupedia. Tiền lương của Sanger bị giảm và ông rời dự án trong năm 2002. Nupedia cuối cùng trôi vào quên lãng.

Đấu tranh cho sự thật

Wikipedia luôn bị đặt dấu hỏi, liệu đây là nguồn đáng tin cậy hay chỉ là bàn phím cho các nhà sử học nghiệp dư?

5 giá trị cốt lõi Wikipedia đặt ra gồm: phải là bách khoa toàn thư được viết theo quan điểm trung lập; nội dung miễn phí để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, chỉnh sửa và phân phối; các biên tập viên phải tôn trọng và lịch sự với nhau; cuối cùng, Wikipedia không có quy tắc cứng nhắc.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Wikipedia nhiều lần đưa thông tin sai lệch về người còn sống thành đã mất. Một trò đùa trên đây còn được đưa vào nhiều ấn phẩm, thậm chí là một cuốn sách do Đại học Chicago xuất bản.

Để giải quyết tình trạng trên, Tim Shell nghĩ ra trang “Thảo luận” để các biên tập viên có thể bàn luận phía sau bài báo. Tất cả các chỉnh sửa được ghi lại, có thể truy ra người thực hiện.

Năm 2007, Wikipedia cán mốc 2 triệu bài viết. Số lượng biên tập viên tình nguyện tăng theo cấp số nhân từ 2001 đến 2007, với khoảng 130.000 biên tập viên đóng góp mỗi tháng trên Wikipedia tiếng Anh. Số lượng biên tập viên Wikipedia bằng ngôn ngữ khác cũng tăng lên đáng kể.

Trong báo cáo tài chính cuối 2020, Wikipedia cho biết đã quyên góp được hơn 120 triệu USD, trong đó 112 triệu USD được dùng để duy trì hoạt động. Hơn 85% ngân sách được tài trợ bởi các khoản đóng góp nhỏ, mỗi khoản tài trợ trung bình 15 USD.

Wikipedia thường chịu chỉ trích vì số lượng tình nguyện viên nam giới áp đảo so với phần còn lại. Ảnh: Entrepreneur.

Năm 2019, Google thông báo sẽ đóng góp 1,1 triệu USD cho Wikimedia Foundation và 2 triệu USD cho quỹ Wikipedia. Wikipedia đặc biệt cởi mở về tài chính, điều rất quan trọng đối với các tình nguyện viên.

Khi Wikipedia phát triển, nhu cầu tài chính cũng tăng theo.

Jimmy Wales từng tuyên bố ý định khai thác quảng cáo cho Wikipedia. Tuy nhiên, những bất đồng nổ ra sau đó khiến việc thương mại hóa trang bách khoa không bao giờ diễn ra.

“Quyết định phi lợi nhuận năm 2003 rất quan trọng vì chúng tôi không nhất thiết phải làm điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể kiếm tiền mà không cần đặt quảng cáo lên trang web", Jimmy cho biết, dù thừa nhận khi đó vẫn nghi ngờ việc có được mọi người quyên góp ủng hộ hay không.

Rõ ràng Wikipedia không hoàn hảo. Có những kẻ phá hoại, sai sót khó kiểm soát, trang web vẫn có các hệ thống ngăn chặn, xử lý tận gốc sai phạm.

Ngoài ra, sự mất cân bằng giới tính cũng là vấn đề đáng suy ngẫm, khi hơn 80% biên tập viên là nam giới và chỉ 18% là phụ nữ trong cộng đồng Wikipedia tiếng Anh. Bỏ qua mọi bất cập, Wikipedia ngày nay đã phát triển hơn 300 phiên bản với hơn 55 triệu bài viết, thu hút hơn 1,7 tỷ lượt xem mỗi tháng.

20 năm sau ngày ra đời, gần 300.000 biên tập viên tình nguyện dành thời gian của họ để viết, chỉnh sửa, quét mọi ngóc ngách của bộ bách khoa toàn thư rộng lớn này.

Đại Việt

Medium

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-20-nam-wikipedia-post1179263.html