Bên trong những công trình điện gió nghìn tỷ bị dân phản ứng ở Tây Nguyên

Dù chưa đảm bảo hồ sơ, thủ tục và dù bị người dân phản ứng nhưng những ông lớn chủ đầu tư công trình điện gió ở Tây Nguyên đã tổ chức thi công.

Tại huyện Krông Búk (Đăk Lăk) có 4 dự án điện gió được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Nhà máy điện gió Cư Né 1, Nhà máy điện gió Cư Né 2, Nhà máy điện gió Krông Búk 1 và Nhà máy điện gió Krông Búk 2. Cả 4 dự án cùng được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp Quyết định chủ trương đầu tư cùng ngày 26/2/2021 và cùng do những người quốc tịch Trung Quốc đại diện theo pháp luật…

Theo các quyết định chủ trương đầu tư, 4 dự án này phải hoàn thành các thủ tục pháp lý trước khi thi công. Tuy nhiên, vào giữa tháng 3 vừa qua, dù chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục nhưng chủ dự án vẫn tiến hành xây dựng. Ở xã Cư Né, nơi thực hiện các dự án điện gió Cư Né 1 và Cư Né 2, ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết, mặc dù hồ sơ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thu mua đất của người dân và thực hiện giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng ở một số vị trí.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam của Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư tại huyện Ea H'leo (Đăk Lăk) cũng đang được thi công ào ạt. Căn cứ các quy định của pháp luật, đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất sau đó thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù các thủ tục thuê đất vẫn chưa được thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng phía Tập đoàn Trung Nam đã tiến hành xây dựng rất nhiều hạng mục.

Nhà máy Điện gió Ea Nam có công suất thiết kế khoảng 400MW, tổng diện tích sử dụng đất có thời hạn khoảng 140ha, tổng mức đầu tư được công bố 16.500 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng xong nhà điều hành và giải phóng mặt bằng được 58/84 vị trí trụ tuabin, thi công phần cọc dưới móng trụ được 30/84 trụ, móng trụ tuabin được 20/84 trụ… Việc xây dựng dự án điện gió của Trung Nam đã gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Theo UBND xã Ea Nam, hiện có khoảng gần 500 đơn thư, khiếu nại của người dân gửi lên địa phương phản ánh về dự án. “Việc triển khai thực hiện dự án của Công ty Trung Nam chưa đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và môi trường”, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Ea Nam khẳng định.

Tương tự, các dự án điện gió đầu tư vào tỉnh Đăk Nông cũng ồ ạt triển khai dù chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục pháp lý. Trong ảnh, người dân đi lại trên con đường đầy bụi bặm ở vùng dự án điện gió tại xã Thuận Hà (huyện Đăk Song, Đăk Nông).

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án điện gió ở Đắk Song với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc có khoảng gần 300 ha đất, trong đó chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp ở Đắk Song phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án năng lượng.

Chiếm công suất và diện tích đất lớn nhất ở Đăk Song là các dự án đứng tên ông Đỗ Lê Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội với công suất thiết kế 300 MW và khoảng gần 200 ha đất. Trong một ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc gồm Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 tương ứng với các chủ đầu tư Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1,2,3 với tổng mức vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.

Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Hà, xã chưa nắm đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, chưa biết sẽ phải thu hồi bao nhiêu đất, tại những vị trí nào nhưng chủ đầu tư đã triển khai hàng loạt hạng mục công trình.

Việc chủ đầu tư tổ chức thi công các hạng mục công trình dự án điện gió ở xã Thuận Hà đã bị người dân phản đối.

Một người dân cho biết, xã Thuận Hà (Đăk Song) là vùng biên giới, có đất đai màu mỡ, phù hợp phát triển nông nghiệp. Trước đây, một số người lạ mặt đến mua đất của người dân với lý do xây dựng trang trại cây dược liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các vị trí người lạ thu mua đều trở thành nơi thi công dự án điện gió.

Người dân yêu cầu các cấp chính quyền công khai về dự án, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện công trình phải đảm bảo môi trường, làm rõ khoảng cách xây dựng trụ điện gió với nhà dân và đền bù thỏa đáng. Trong ảnh: Người dân xem video clip mà họ quay lại sự xung đột giữa họ và lực lượng bảo vệ ở dự án điện gió.

Một ống trụ bê tông được đóng sâu vào lòng đất để xây dựng trụ tuapin ở thôn 8, xã Thuận Hà. Theo người dân, ống trụ có chiều dài hàng chục mét và đội thi công công trình dùng máy ép hạng nặng để đóng xuống đất.

Tại xã Thuận Hà, các công trình điện gió trải rộng trên diện tích lớn. Lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận, bản thân họ không nắm bắt hết vị trí của các móng trụ tuapin.

Ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thừa nhận, do sức ép tiến độ dự án nên doanh nghiệp đã tự thỏa thuận, mua bán đất với dân sau đó Nhà nước mới thực hiện thu hồi và cho thuê đất.

Máy ép ống trụ bê tông xuống lòng đất để xây dựng móng trụ tuapin điện gió đã gây rung chấn mạnh, làm nứt gạch, vỡ tường nhà dân.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, giải đáp các thắc mắc, bức xúc của người dân, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Lê Trọng Yên đã chủ trì cuộc đối thoại giữa các bên ngay tại trụ sở UBND huyện Đăk Song.

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một ngày sau cuộc đối thoại, người dân Thuận Hà tiếp tục tụ tập đông người để cản trở nhà đầu tư thi công. Xe tải hạng nặng chở vật liệu vào vùng dự án bị chặn trong khi công nhân và các máy móc khác ở công trình buộc phải dừng hoàn toàn.

Hoàng Anh - Minh Hậu

Hoàng Anh - Minh Hậu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ben-trong-nhung-cong-trinh-dien-gio-nghin-ty-bi-dan-phan-ung-o-tay-nguyen-i289075.html