Bên trong nhà tù khét tiếng Tokyo, nơi giam giữ cựu chủ tịch Nissan

Nhà tù 'ác mộng' ở Tokyo - vốn gây nhiều chú ý gần đây sau khi là nơi tạm giam cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn, vừa mở cửa cho phóng viên tham quan.

Rất dễ để nhìn thấy cơ sở tạm giam các nghi phạm được gọi là Trung tâm Giam giữ Tokyo, dù là trong một buổi chiều mưa ẩm ướt đầu tháng sáu. Tòa nhà hình chữ X hoàn toàn nổi bật với những công trình kiến trúc cũ kỹ xung quanh ở khu Kosuge, phía đông bắc thủ đô Nhật Bản.

Ngoại trừ những lần hiếm hoi khi các phóng viên xuất hiện để đưa tin về một tên giết người khét tiếng bị đưa vào đây, hầu hết thời gian công chúng đều ít chú ý đến tòa nhà này, nơi giam giữ 1.600 phạm nhân dưới sự quản lý của 800 nhân viên.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Trung tâm Giam giữ Tokyo đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì một nhân vật đình đám: Carlos Ghosn.

Cựu chủ tịch Nissan, Carlos Ghosn sau khi được tại ngoại vào hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Cựu chủ tịch Nissan, Carlos Ghosn sau khi được tại ngoại vào hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Có tội cho đến khi được chứng minh vô tội

Cựu chủ tịch Nissan bị tạm giam ở đây trong vòng 108 ngày và bị thẩm vấn về các cáo buộc sai phạm tài chính và vi phạm tín nhiệm nghiêm trọng. Ông Ghosn được tại ngoại hồi tháng 3 nhưng chưa đầy một tháng sau đã bị bắt trở lại và tiếp tục bị giam giữ trong 21 ngày nữa ở nhà tù này. Đến cuối tháng 4, ông Ghosn được tại ngoại một lần và sẽ phải chuẩn bị đối mặt với các phiên tòa sắp diễn ra.

Việc cựu chủ tịch Nissan bị tạm giam trong thời gian dài khiến cho nhiều nước phương Tây lên tiếng chỉ trích bộ máy tư pháp của Nhật Bản, trong đó cho phép các công tố viên tạm giam nghi phạm tối đa 23 ngày cho mỗi cáo buộc và thẩm vấn họ mà không có sự xuất hiện của luật sư.

Cũng có những chỉ trích khác về điều kiện giam giữ đối với những người như ông Ghosn, khi mặc dù chưa bị kết tội nhưng các nghi phạm phải sống như những tù nhân trong khi chờ đợi công lý.

Sau khi phải nhận những ý kiến tiêu cực, Trung tâm Giam giữ Tokyo quyết định mở cửa cho các phóng viên nước ngoài để làm rõ những chỉ trích cho rằng nó là một phần trong một hệ thống coi nghi phạm là người có tội cho đến khi được chứng minh vô tội.

Đầu tiên là căn phòng nơi cựu chủ tịch Nissan bị giam giữ, với diện tích 7,5 mét vuông, phòng giam này chỉ có những vật dụng cơ bản như giường gấp, giá sách, bàn làm việc mini cùng bồn cầu đối diện bồn rửa mặt. Theo truyền thông, ông Ghosn được chuyển tới một căn phòng rộng hơn sau đó.

Các phạm nhân được phép vận động tại sân nhà tù 30 phút mỗi ngày, và được ngủ thêm 2 tiếng sau bữa trưa.

Tuy nhiên, trong thời gian còn lại ở phòng giam, phạm nhân bị buộc phải ngồi. Luật lệ này được áp dụng để tránh gây nhầm lẫn cho lính gác, vì họ sẽ phải kiểm tra xem phạm nhân có còn sống hoặc có vấn đề sức khỏe không nếu người này nằm trên sàn.

Một căn phòng biệt giam của Trung tâm Giam giữ Tokyo, nơi cựu chủ tịch Nissan từng bị giam giữ. Ảnh: AP.

"Ba nguy cơ lớn nhất trong các nhà tù Nhật Bản là cháy, chạy trốn và tự tử", ông Shigeru Takenaka, người đứng đầu bộ phận quản giáo nhà tù, cho biết. Để ngăn cản các phạm nhân tự gây tổn thương, các vật dụng trong phòng giam đều có góc được bo tròn, bồn cầu và bồn rửa mặt được điều khiển bằng các nút bấm.

"Tất cả mọi thứ đều được thiết kế để tránh những nỗ lực tự tử", ông Takenaka nói.

Thẩm vấn 14 tiếng mỗi ngày

Hiện tại, 1.216 trong tổng số 1.758 phạm nhân ở trại vẫn đang chờ đợi đến phiên tòa xét xử, với những tội danh từ trộm cắp, lừa đảo, tàng trữ ma túy đến giết người. Trong tổng số 239 phạm nhân người nước ngoài đến từ 38 quốc gia, gần một phần ba là người Trung Quốc.

Một số phòng giam có thể chứa tối đa 6 phạm nhân nhưng không được trang bị tivi. Các phạm nhân được phép nghe radio vào buổi sáng, tắm 3 lần một tuần trong mùa hè và 2 lần một tuần vào mùa đông. Mỗi ngày của họ bắt đầu lúc 7h và kết thúc khi ánh đèn trong phòng giam giảm xuống chứ không tắt hẳn vào lúc 21h.

Phạm nhân ăn ba bữa hàng ngày với thực đơn gồm gạo, súp và một phần nhỏ thịt hoặc cá do chuyên gia dinh dưỡng quyết định. Ông Ghosn được cho là hết sức chật vật với khẩu phần này. Mặc dù vậy những người bị giam giữ được phép viết một lá thư mỗi ngày và không bị hạn chế số lần bạn bè hoặc gia đình đến thăm.

Trong lần mở cửa này, Trung tâm Giam giữ Tokyo không cho các nhà báo tham quan phòng thi hành án, nơi các tử tù bị treo cổ sau một buổi gặp ngắn với một nhà sư.

Năm ngoái, một trong những phạm nhân nổi tiếng nhất của nhà tù, Shoko Asahara, lãnh đạo giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện vụ tấn công khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 khiến 13 người thiệt mạng, đã bị treo cổ trong căn phòng này.

Nhật Bản cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì cách thi hành án tử hình đặc biệt của quốc gia này. Tử tù ở Nhật Bản không biết bao giờ mình bị thi hành án trong phiên tòa, họ thường bị giam giữ biệt lập trong hàng năm trời và chỉ biết trước thời điểm thi hành án khoảng vài tiếng đồng hồ. Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi cách này là "tàn bạo, vô nhân đạo và hèn hạ".

Ông Takenaka từ chối bình luận về án tử hình và phủ nhận các chỉ trích cho rằng nghi phạm bị giam giữ trong điều kiện giống như các phạm nhân bị kết án.

"Về mặt điều kiện sống, tôi nghĩ chúng tôi đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn thích hợp - về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và chăm sóc y tế", ông Takenaka cho biết. Trưởng bộ phận quản giáo cũng từ chối bình luận về khiếu nại từ luật sư của Carlos Ghosn, cho rằng điều kiện giam giữ của nhà tù được thiết kế để khiến nghi phạm suy sụp về tinh thần, giúp các công tố viên khai thác những lời thú tội.

Một bữa ăn tại Trung tâm Giam giữ Tokyo, cựu chủ tịch Nissan được cho là đã hết sức chật vật với khẩu phần này. Ảnh: AP.

Hồi tháng 4, đội luật sư của cựu chủ tịch Nissan cho biết lần giam giữ thứ 2 đã khiến gián đoạn việc điều trị bệnh thận mãn tính của ông Ghosn, và các công tố viên đã cố gắng ép buộc Ghosn thú tội bằng cách thẩm vấn kéo dài tới 14 tiếng mỗi ngày, đôi khi vào giữa đêm.

Nói về những ô cửa sổ chống đạn, các thiết bị y tế bao gồm máy chụp cắt lớp CT và các bác sĩ túc trực, ông Takenaka khẳng định mục đích của trung tâm là để chuẩn bị cho các phạm nhân được xét xử trong sự an toàn.

Bạo lực giữa các phạm nhân là điều gần như không xảy ra, ông Takenaka cho biết. "Họ không phải bảo vệ bản thân như ở phương Tây. Họ được bảo vệ ở đây. Cuối cùng thì họ sẽ trở lại xã hội, vì vậy chúng tôi phải tìm cách cân bằng. Điều kiện sống ở đây cần phải ổn, nhưng không quá tốt đến mức tốt hơn những người sống bên ngoài", ông Takenaka nói.

Sơn Trần
(theo Guardian)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ben-trong-nha-tu-khet-tieng-tokyo-noi-giam-giu-cuu-chu-tich-nissan-post956277.html