Bên trong kế hoạch bí mật của Huawei nhằm đánh bại các lệnh trừng phạt của Mỹ (Bài 2)

Khắp châu Á, các công ty cung ứng chip máy tính đã nhận được thông điệp mạnh mẽ từ Huawei: 'Tăng cường năng lực sản xuất, Huawei sẽ mua toàn bộ các sản phẩm của họ...'

Về kế hoạch “khử Mỹ” của Huawei Technologies

Trong nhiều năm, RichWave, một nhà sản xuất thiết bị phát Wi-Fi nổi tiếng của Đài Loan - một phần công nghệ truyền thông quan trọng trong điện thoại thông minh và các thiết bị khác - đã cố gắng hợp tác với Huawei.

RichWave đã nỗ lực đưa ra các chính sách cạnh tranh với các đối thủ của Mỹ như Skyworks, Qorvo hay Broadcom - vốn được biết đến như những nhà cung cấp thiết bị wifi trong chuỗi cung ứng của Huawei Technologies.

Thế nhưng, dù nỗ lực đến bao nhiêu thì RichWave vẫn chưa thể lọt được vào danh sách các nhà cung cấp cho Huawei.

Đột nhiên, vào mùa hè này, RichWave nhận được tín hiệu "đèn xanh" - chính thức cung cấp các linh kiện của mình cho Huawei vào tháng 8 vừa qua."Mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi với Tập đoàn Huawei đã bỏ qua quy trình đàm phán truyền thống mà ngay lập tức RichWave đã trở thành lựa chọn thay thế cho các nhà cung cấp khác" - ông Kick Huang, Tổng giám đốc của RichWave tại Trung Quốc cho biết.

Điều đáng chú ý, RichWave không phải trường hợp duy nhất. Sự gia tăng hợp tác giữa Huawei với các nhà cung cấp khác tại Trung Quốc và châu Á khác đang trở nên phổ biến.

Công ty Công nghệ điện tử Giang Tô, ASE Technology Holding, Siliconware Precision Industries, PowerTech Technology và King Yuan Electronics đều nhận được cái gật đầu từ Huawei để mở rộng sản xuất bên trong Trung Quốc.

Ngoài ra, Huawei cũng đẩy mạnh việc hợp tác với các nhà cung cấp trong khu vực. Chẳng hạn, Công ty sản xuất chất bán dẫn Unimicron Technology đến từ Đài Loan - được biết đến như một nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới.

Một công ty khác là Win S bán dẫn, vốn được biết đến là một nhà sản xuất hợp đồng các bộ khuếch đại công suất, các bộ phận quang học và các thành phần tần số vô tuyến, đã nhận được đơn đặt hàng từ HiSilicon Technologies - một công ty con chuyên phụ trách mảng thiết kế chip của Huawei.

FIH Mobile - công ty con của Hon Hai Precision Industry, thường được gọi là Foxconn - và BYD, một nhà sản xuất Trung Quốc, đã giành được hợp đồng mới để lắp ráp điện thoại thông minh Huawei sau khi nhà sản xuất lớn trước đây của Huawei là Công ty Flex có trụ sở tại Mỹ, đã đình chỉ một số lô hàng sau khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.

Một số nhà cung cấp khác cũng xác nhận rằng Huawei đã bí mật chuẩn bị các công nghệ của riêng mình trong nhiều năm, nhưng không đưa vào sản xuất ở quy mô lớn.

Một trong số đó là công ty thử nghiệm các thành phần tần số vô tuyến của riêng Huawei, thậm chí công ty này đã hoạt động từ khoảng 10 năm trước. Và theo kế hoạch của Huawei, công ty này sẽ bắt đầu đưa một số thiết kế đó vào sản xuất hàng loạt vào mùa xuân năm tới.

Cuốn sách "Sự tận tâm: Triết lý quản lý nguồn nhân lực của Huawei" được trưng bày tại trụ sở của công ty

Cuốn sách "Sự tận tâm: Triết lý quản lý nguồn nhân lực của Huawei" được trưng bày tại trụ sở của công ty

"Điều này không giống như hầu hết những người bên ngoài nghĩ - rằng Huawei chỉ bắt đầu nghiên cứu và phát triển các bộ phận quan trọng sau khi nguồn cung bị cắt," một trong những giám đốc điều hành các công ty con của Huawei cho biết.

Nhiều nhà cung cấp cấp hai và cấp ba, những người trước đây không có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của Huawei, giờ đây đã được trao một cơ hội để tiến lên.

Ông Roger Sheng, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu tại Công ty tư vấn Gartner ở Thượng Hải, nhận định: "Ngay cả khi sau này Mỹ có cho phép Huawei sử dụng các linh kiện của Mỹ đi chăng nữa, thì mọi việc sẽ không bao giờ quay trở lại thời xưa, như chưa có gì xảy ra".

Không phải chỉ có tại Huawei mà xu hướng "khử Mỹ" đang lan rộng trên khắp Trung Quốc. Năm nay, Xiaomi, một nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu khác, đã đầu tư vào một số công ty liên quan đến chip địa phương, bao gồm cả Bluetooth và hệ thống chip âm thanh Bestechnic.

Đồng thời bắt tay hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thiết kế VeriSilicon Holdings. Ngoài ra, Tập đoàn Alibaba cũng đã tiết lộ kế hoạch xây dựng nền tảng chip trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ nguồn mở của hãng.

Huawei Trung Quốc hay Huawei toàn cầu?

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thế nhưng Huawei vẫn bị tổn thương bởi các cuộc tấn công của Mỹ vào chuỗi cung ứng và cơ sở khách hàng của mình.

Mỹ đã vận động hành lang các đồng minh để cố gắng hạn chế thị trường của Huawei và điều này - dù ít dù nhiều cũng sẽ tạo ra những tác động tiêu cực. Huawei đã phải rút lui khỏi thị trường Mỹ gần như hoàn toàn, trong khi các lô hàng điện thoại thông minh của hãng tại thị trường châu Âu đã giảm 16% trong quý II.

Huawei sẽ tiếp tục là thương hiệu toàn cầu?

Có điều, Huawei vẫn chứng tỏ sự kiên cường một cách đáng ngạc nhiên của mình. Chuyên gia Arisa Liu tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan cho biết. "...Nhưng Washington vẫn có thể đưa ra những chính sách mới với sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu điều này kéo dài, một số dự án của Huawei vẫn sẽ bị trì hoãn và sự phát triển công nghệ của hãng sẽ bị chậm lại. Nhưng ... Huawei sẽ không chết hay bị sụp đổ."

Có lẽ câu hỏi lớn nhất liên quan đến công ty là về phần mềm mà hãng sử dụng trên điện thoại. Hệ điều hành Android của Google chiếm 80% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu và được Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo và LG Electronics sử dụng.

Chính điều này đã thành một hệ sinh thái lớn dành cho ứng dụng di động và các dịch vụ mà Google cung cấp cùng với nó - Google Play, Gmail, YouTube và Google Maps. Đây được xem là một lợi thế lớn cho người dùng.

Thế nhưng cùng với lệnh cấm từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, các điện thoại thông minh mới của Huawei có thể sẽ không có quyền truy cập vào các dịch vụ di động của Google. Để giải quyết vấn đề này, vào tháng 8 vừa qua, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành Harmony của riêng mình.

Mặc dù Huawei cho biết họ sẽ ưu tiên sử dụng Android trên điện thoại nếu được phép, nhưng trong trường hợp xấu nhất xảy ra, Huawei đã tuyên bố với các nhà phát triển ứng dụng di động rằng họ sẽ xây dựng ứng dụng trên hệ điều hành mới mới và họ sẽ "chỉ mất một đến hai ngày" để thay thế hệ điều hành Android bằng hệ điều hành Harmony.

Ban đầu, Harmony dự kiến sẽ được áp dụng trên tivi, đồng hồ và loa thông minh, chứ không phải trên thiết bị cầm tay. Thực tế này, theo giới quan sát nhận định thì quá trình thay thế Android bằng Harmony có thể không đơn giản như vậy.

Tuy nhiên, tại triển lãm điện tử IFA 2019 tại Berlin, người đứng đầu doanh nghiệp tiêu dùng của Huawei là Richard Yu nói với truyền thông Trung Quốc rằng họ có thể giới thiệu phiên bản điện thoại thông minh Harmony với chiếc P40 hàng đầu, sẽ được công bố vào tháng 3 năm sau.

Huawei đã thừa nhận rằng họ cần một hệ thống dịch vụ sinh thái để đưa Harmony ra sử dụng rộng rãi và hãng tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên nền tảng của mình. Một số nhân viên của Huawei đã nhận thức được mức độ quan trọng của nhiệm vụ.

Người tiêu dùng tại Trung Quốc có thể kiên nhẫn, nhưng việc mất quyền truy cập vào các dịch vụ của Google có thể có tác động mạnh đến tham vọng quốc tế của Huawei. "Không có Android và các ứng dụng phổ biến đó, nhiều khả năng Huawei sẽ buộc phải trở thành "Huawei của Trung Quốc" thay vì "Huawei toàn cầu", một giám đốc công nghệ đã đưa ra nhận định của mình.

Niềm tự hào dân tộc

Một yếu tố không thể phủ nhận đằng sau khả năng phục hồi của Huawei đó chính là sự hỗ trợ mà họ đã nhận được từ Bắc Kinh. Chiến lược của Huawei vốn được biết đến là: "Trung Quốc có thể làm được", và điều này có ý nghĩa rằng việc bảo vệ công ty khỏi sự "xâm lược" của nước ngoài đã trở thành một nhiệm vụ quốc gia.

Trước cuộc chiến thương mại, người tiêu dùng Trung Quốc đang mua hàng địa phương. Theo chia sẻ của Canalys, thị phần điện thoại thông minh trong nước của Huawei đã tăng lên mức cao kỷ lục 38% trong Quý II năm 2019.

Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị công bố "danh sách đen" của riêng mình, được coi là lời cảnh báo cho các công ty quốc tế đã cắt đứt nguồn cung cho Huawei.

Trong số đó, Công ty hậu cần FedEx của Mỹ đang ở trong tầm ngắm, sau khi bị buộc tội gửi các gói thiết bị Huawei đến sai địa điểm và giữ hơn 100 bưu kiện của các lô hàng liên quan đến Huawei, thay vì vận chuyển chúng đến Trung Quốc.

Giới quan sát tin rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại, ngay cả khi Huawei bị bắt làm "con tin". Trong mọi trường hợp, Bắc Kinh sẽ không bao giờ biến Huawei thành nước cờ thương lượng.

Các nhà theo dõi thị trường và giám đốc điều hành ngành công nghệ cho rằng thành công của Huawei củng cố tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ của Trung Quốc. Và tham vọng này quá quan trọng, và không thể thất bại

An Chi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ben-trong-ke-hoach-bi-mat-cua-huawei-nham-danh-bai-cac-lenh-trung-phat-cua-my-bai-2-157789.html