Bên trong hiệu sách tồn tại hơn một thế kỷ ở Pháp

Shakespeare and Company ở thủ đô Paris là hiệu sách lâu đời, chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của nhiều tác giả nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng với văn chương thế giới.

 Shakespeare and Company là hiệu sách huyền thoại, đã tồn tại hơn 100 năm tại Paris, Pháp. Cách đây không lâu, chủ cửa hiệu kêu cứu vì lỗ nặng, sụt giảm 80% doanh thu từ tháng 3 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Shakespeare and Company là hiệu sách huyền thoại, đã tồn tại hơn 100 năm tại Paris, Pháp. Cách đây không lâu, chủ cửa hiệu kêu cứu vì lỗ nặng, sụt giảm 80% doanh thu từ tháng 3 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau lời kêu cứu, lượng đơn đặt hàng online tăng đột biến. Theo Guardian, một vị khách có biệt danh "Tumbleweed" đã đặt đơn hàng trị giá hơn 1.000 euro (khoảng 1.170 USD) từ Shakespeare and Company.

Hiệu sách do tác giả, chủ nhà xuất bản người Mỹ Sylvia Beach mở năm 1919. Ban đầu, cửa hiệu được đặt tại số 8 Rue Dupuytren, Paris, Pháp. Sau đó, Shakespeare and Company được chuyển về cơ sở mới lớn và khang trang hơn tại số 12 Rue de l'Odéon ở quận 6 vào năm 1922.

Trong những năm 1920, cửa hiệu của Beach là điểm hẹn văn hóa của nhiều nhà văn khao khát thành công trong sự nghiệp viết sách như Ezra Pound, Ernest Hemingway, Djuna Barnes, James Joyce và Ford Madox Ford. Nơi đây cũng trở thành cửa hiệu cất giữ những cuốn sách tiếng Anh đắt giá và hiếm có nhất thủ đô Paris.

Theo hồ sơ còn lưu lại, các nhà văn như Simone de Beauvoir, Jacques Lacan, Walter Benjamin và James Joyce… đều là khách quen của Shakespeare and Company. Hemingway cũng mua một bản cuốn tiểu thuyết A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí, 1929) của chính mình tại Shakespeare and Company.

Shakespeare and Company vào những năm 1920 là nơi xuất bản tác phẩm kinh điển nhưng đầy tranh cãi khi đó là Ulysses (1922) của James Joyce. Tác phẩm là kết tinh cho tình bạn giữa Sylvia Beach và nhà văn xứ Ireland.

Năm 1941, Đức chiếm đóng Paris. Hiệu sách huyền thoại buộc phải đóng cửa sau khi bà Beach từ chối bán cho một sĩ quan Đức quốc xã ấn bản cuối cùng cuốn Finnegans Wake mà người bạn tri kỷ Joyce viết.

Năm 1951, nhà văn George Whitman mở lại hiệu sách. Các giấy tờ còn lại từ thời Sylvia Beach điều hành được Đại học Princeton mua lại vào năm 1964 và số hóa các tài liệu.

Hiện tại, con gái của nhà văn George là bà Sylvia Whitman chịu trách nhiệm điều hành hiệu sách huyền thoại của nước Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn không lâu trước đây với tờ Guardian, bà Sylvia chia sẻ: "Chúng tôi không tuyên bố phá sản nhưng thú thực số tiền tiết kiệm đã tiêu hết. Mọi người đang tận dụng hỗ trợ từ chính phủ, nhưng không đủ. Nhiều tháng nay, chúng tôi không đủ tiền trả cho chủ nhà".

Các ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp. Chính phủ nước này dự kiến áp luật giới nghiêm trong 4 tuần. Điều đó có nghĩa Shakespeare and Company có thể sẽ phải đóng cửa tiếp vì thuộc mặt hàng kinh doanh không thiết yếu. Nó khiến doanh thu của cửa hàng càng tệ hại hơn.

Đứng trước khó khăn vì dịch bệnh, Shakespeare and Company bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến. Điều này giúp họ phần nào cứu vớt doanh thu đã sụt giảm thê thảm.

Nhân viên trong cửa tiệm chỉ còn lại vài người, liên tục tiếp nhận các đơn hàng online, bao gồm công việc đóng gói và gửi tới khách hàng qua đường bưu điện. Shakespeare and Company hiện có hàng chục nghìn cuốn sách với các thể loại đa dạng.

Tác phẩm Rage (tạm dịch: Cơn thịnh nộ) với bìa là chân dung Tổng thống Mỹ Donal Trump được bày bán ở khu vực gần cửa ra vào của Shakespeare and Company. Bức chân dung này do nhà báo Bob Woodward của Watergate chụp. Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống thứ 46 đang diễn ra căng thẳng và chưa ngã ngũ.

Thiên Nhan
Ảnh: Kiran Ridley/Getty Images

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ben-trong-hieu-sach-ton-tai-hon-mot-the-ky-o-phap-post1150430.html