'Bên trong' đội tàu hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ

Hồi đầu tháng 11, khi Tổng thống Donald Trump có chuyến công du đến Châu Á, 3 tàu sân bay của Hải quân Mỹ - quy mô nhất, hiện đại nhất trong lịch sử - tụ tập quanh khu vực bán đảo Triều Tiên.

Hồi đầu tháng 11, khi Tổng thống Donald Trump có chuyến công du đến Châu Á, 3 tàu sân bay của Hải quân Mỹ - quy mô nhất, hiện đại nhất trong lịch sử - tụ tập quanh khu vực bán đảo Triều Tiên. Tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt có cuộc tập trận “phối hợp hiếm thấy” ở khu vực này.

Đội tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Ảnh: CPF

Nhưng đằng sau chương trình thị uy đầy kịch tính này, các câu hỏi đang được đặt ra là liệu Hải quân Mỹ có phải đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn ở Châu Á hay không - từ Triều Tiên có vũ trang hạt nhân và Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng - vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thừa nhận đang thiếu tiền, nhân lực và vũ khí để đảm bảo thành công. Điều này dường như có thể là lý do khiến Washington thờ ơ hơn với Châu Á. Trong Sách Trắng về chính sách và đối ngoại lần đầu tiên được công bố trong 13 năm qua, Australia ngày 23-11 kêu gọi Mỹ tạo ra một sự hiện diện mạnh mẽ ở Châu Á cũng như tăng cường quan hệ với những đối tác “cùng chí hướng”, và cảnh báo những hành động của Trung Quốc ở trong khu vực. Nhưng Hải quân Mỹ thật ra có những “nỗi khổ khó nói”.

Hoạt động yếu dần

Sau động thái phô trương sức mạnh chưa từng có trước Triều Tiên như thế này, ngày 24-11, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tập trận không quân chung từ ngày 4 đến 8-12 tới với sự tham gia của khoảng 230 chiếc máy bay và 12.000 quân.

Trong khi các cuộc tập trận của Mỹ là nhằm trấn an các đồng minh Châu Á và gửi thông điệp đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un rằng, Washington sẽ không bị đe dọa bởi những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, động thái này cũng làm nổi bật mối quan ngại về một Hạm đội 7 đang yếu dần. Hai tàu khu trục dẫn đầu USS Fitzgerald và USS John S McCain đã va chạm với các tàu buôn ở vùng bờ biển ngoài khơi Nhật Bản và Singapore, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. 2 tàu chiến này cần hàng trăm triệu USD để sửa chữa. Các vụ tai nạn cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào 2 tàu chiến hiện đại nhất trên biển thậm chí không thể điều hướng các tuyến đường vận chuyển đông đúc.

Theo CNN, Hạm đội 7 đã hứng chịu 5 vụ tai nạn lớn trong năm 2017 liên quan đến các tàu và 2 máy bay, gồm vụ tai nạn máy bay hôm 22-11. Máy bay thuộc Hạm đội 7 này chở theo 11 người khi bị rơi tại vùng biển đông nam đảo Okinawa của Nhật Bản.

Phức tạp và tốn kém

Các chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ thừa nhận, lực lượng hải quân cần được bổ sung thêm người, tàu và máy bay.

“Để các tàu Carl Vinson, Nimitz và Theodore Roosevelt có thể sẵn sàng vào tháng 1, tháng 6 và tháng 10 năm nay, việc chuẩn bị và trang bị cho nó là rất phức tạp và tốn kém. 94 máy bay chiến đấu đã phải được thuyên chuyển qua nhiều cơ sở bảo dưỡng ở hai miền bờ biển Mỹ”, ông Mike Shoemaker, Chỉ huy Không lực Hải quân Mỹ, cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm, “điều này đã buộc phải rút máy bay từ lực lượng dự bị, vốn được dùng để huấn luyện các phi công mới”. Việc này đã khiến nhiều phi đội không có máy bay để phi công có thể huấn luyện.

Một phụ tá ở Quốc hội Mỹ nói với CNN rằng, việc phải thay đổi 94 máy bay chiến đấu để trang bị 3 tàu sân bay là “quá điên rồ” khi nó khiến khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ của các phi đội bị sụt giảm và các kỹ sư trong quân đội phải có thêm những công việc không cần thiết.

Bê bối tham nhũng

Các vấn đề trên có thể được đưa ra tranh luận và giải quyết. Nhưng còn có một vấn nạn mà Hải quân Mỹ không dám đối mặt: đó là các vụ bê bối tham nhũng. Vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ đang diễn ra đã khiến 20 cựu quan chức và quan chức đương nhiệm bị buộc tội trong cuộc điều tra hối lộ và nhận hối lộ trải dài khắp Châu Á.

Được biết đến với tên gọi “Fat Leonard” (Leonard Béo), vụ bê bối này liên quan đến hàng chục Đô đốc Hải quân Mỹ cùng 440 binh sĩ tại ngũ và đã nghỉ hưu. “Leonard Béo” là biệt danh vụ điều tra đặt theo tên nhà tài phiệt Leonard Glenn Francis có mối quan hệ mật thiết với các quan chức cấp cao thuộc Hải quân Mỹ để có các hợp đồng béo bở. Kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2013, nhiều quan chức Hải quân đã bị bắt và bị cáo buộc nhận tiền mặt và các chuyến đi được chi trả tất cả các chi phí từ nhà tài phiệt này.

Leonard Francis là Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Glenn Marine Group Asia (GDMA), nhà thầu quốc phòng Singapore cung cấp dịch vụ cho Hạm đội 7. Michael Junge, một chuyên gia quân sự cho rằng, đó là một phần nguyên nhân khiến Hạm đội 7 hoạt động ngày càng yếu đi.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_175564_-ben-trong-do-i-ta-u-hu-ng-ma-nh-nha-t-the-gio-i.aspx