Bên trong Diego Garcia – căn cứ quân sự tuyệt mật của Mỹ giữa Ấn Độ Dương

Là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chagos, căn cứ quân sự tuyệt mật Diego Garcia có vị trí chiến lược đối với các chiến dịch của quân đội Mỹ ở Trung Đông và châu Á.

Diego Garcia là một trong 60 đảo san hô thuộc quần đảo Chagos, nằm cách lục địa gần nhất khoảng 1.600 km và từng thuộc chủ quyền của Mauritius trước khi trở thành thuộc địa của Hà Lan, Pháp và sau đó là Anh từ năm 1965.

Diego Garcia là một hòn đảo nhiệt đới, bờ biển tạo thành bến cảng tự nhiên, biến nơi đây trở thành một căn cứ hải quân hoàn hảo. (Nguồn: Reuters)

Ước tính có khoảng 3.000 - 5.000 nhân viên quân sự đóng tại căn cứ quân sự Diego Garcia, chủ yếu là người Mỹ, một số ít đến từ Vương quốc Anh. Ngoài ra còn có một số các nhà thầu đến từ Mauritius, đội ngũ phục vụ nấu ăn và dọn dẹp cho binh lính và thủy thủ. (Nguồn: Getty Images)

Khu vực "trung tâm thành phố" Diego Garcia như một thị trấn thu nhỏ của Mỹ. Vào thời gian rảnh, các nhân viên quân sự có thể giải trí bằng các trò chơi bowling, đạp xe hoặc mua sắm. (Nguồn: MWR US Navy)

Là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, Diego Garcia là nơi đã phát động tấn công Iraq, nơi máy bay ném bom cất cánh, thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực châu Á. Thậm chí, Deigo Garcia từng là căn cứ cho các cuộc tấn công không quân của Mỹ trong Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991. (Nguồn: Reuters)

Căn cứ Diego Garcia có đường băng dài 2 dặm có khả năng chứa máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52. (Nguồn: CNN)

Diego Garcia là điểm dừng chân của Hải quân, Không quân và cả cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bởi đường băng rộng lớn của đảo có thể còn là nơi hạ cánh của tàu con thoi. (Nguồn: Lầu Năm góc)

Trước đó, vào năm 2001, xuất phát từ căn cứ này, máy bay ném bom B52 tầm xa đã bay đến vùng Taliban và Qaeda thuộc Afganistan để thực hiện nhiệm vụ tấn công. (Nguồn: Getty Images)

Diego Garcia cũng là một điểm tiếp nhiên liệu thuận tiện cho Hải quân và Không quân Mỹ. Các cảng sâu của Diego Garcia còn có thể chứa tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và nhiều loại tàu khác. (Nguồn: Reuters)

Nhờ nằm ở vị trí cách xa đất liền, Diego Garcia không chỉ nổi tiếng mà còn mang theo sự bí ẩn. Khác với đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, các nhân viên quân sự có thể mang theo vợ hoặc chồng, nhưng những nhân viên làm việc trên đảo Diego Garcia đều phải đi một mình. Những người duy nhất được phép lên đảo ngoài nhân viên quân sự là nhân viên hợp đồng làm công việc nấu ăn và dọn dẹp.

Không có nhà báo nào từng đến đây, mặc dù phóng viên của tạp chí Time từng gửi tin từ đường băng căn cứ này trong lúc chiếc Air Force One chở Tổng thống Bush và phóng viên đi cùng phải dừng tiếp liệu tại đây. (Nguồn: CNN)

Năm 2015, Lawrence Wilkerson, một cựu quan chức trong chính quyền Bush nói với Vice News rằng, nơi đây là một trong những nhà tù giam giữ các phần tử khủng bố ngày 9/11 vào tòa tháp đôi của nước Mỹ. Trong ảnh, một tù nhân đang được hộ tống tại Vịnh Guantánamo ở Cuba năm 2006. (Nguồn: Getty Images)

Trước đó, vào năm 1965, giữa cao trào của Chiến tranh lạnh, Mỹ ký một thỏa thuận bí mật gây tranh cãi với chính phủ Anh về việc thuê lại đảo Diego Garcia để thiết lập căn cứ quân sự và hoạt động tại đây “đến khi nào không còn nhu cầu”. (Nguồn: Reuters)

Năm 1967, Anh đã trục xuất tất cả cư dân đầu tiên khỏi đảo Chagos để mở đường cho căn cứ quân sự của Mỹ. Những cư dân đó là nô lệ được đưa từ Madagascar và Mozambique đến làm việc trong các đồn điền dừa của người Pháp vào thế kỷ 18. Trong ảnh, một nhóm người tị nạn từ đảo Chagos xuất hiện bên ngoài Tòa án Công lý ở London ngày 31/10/2002. (Nguồn: Reuters)

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hồi tháng 5/ 2019 đã ra phán quyết yêu cầu Anh chấm dứt kiểm soát quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương trước đây thuộc về đảo quốc Mauritius ở Đông Phi. Theo AP, dù không mang tính ràng buộc nhưng phán quyết của tòa án thuộc Liên hợp quốc đang gây áp lực lớn khiến London không thể làm ngơ. (Nguồn: Getty Images)

Minh Nhật

(theo Insider, CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ben-trong-diego-garcia-can-cu-quan-su-tuyet-mat-cua-my-giua-an-do-duong-100463.html