Bên trong 'cơn ác mộng' tại Ấn Độ

Đối mặt với làn sóng lây nhiễm chưa từng có, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng một thế kỷ mới xảy ra một lần. Hệ thống bệnh viện quá tải, các điểm hỏa táng hoạt động không ngừng nghỉ, Ấn Độ kỳ vọng chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành sẽ đưa nước này thoát khỏi 'cơn ác mộng'.

Một cơ sở hỏa táng tập thể ngoài trời tại New Delhi. (Ảnh: Reuters)

Một cơ sở hỏa táng tập thể ngoài trời tại New Delhi. (Ảnh: Reuters)

Đối mặt với làn sóng lây nhiễm chưa từng có, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng một thế kỷ mới xảy ra một lần. Hệ thống bệnh viện quá tải, các điểm hỏa táng hoạt động không ngừng nghỉ, Ấn Độ kỳ vọng chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành sẽ đưa nước này thoát khỏi "cơn ác mộng".

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, ngày 30-4, Ấn Độ ghi nhận 401.993 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp số ca mắc mới tại nước này nhiều hơn 300 nghìn ca/ngày và lần đầu tiên số ca mắc mới của một quốc gia vượt mốc 400 nghìn ca/ngày. Cùng ngày, Ấn độ bước sang ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận hơn 3.000 ca tử vong/ngày.

Người bệnh Covid-19 trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Holy Family, tại New Delhi, ngày 29-4. (Ảnh: Reuters)

Người bệnh chờ bên ngoài Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Guru Teg Bahadur, New Delhi, để đến lượt nhập viện. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày đầu tiên Ấn Độ mở rộng tiêm phòng Covid-19 cho người trưởng thành, hỏa hoạn lại xảy ra tại bệnh viện của nước này. Đám cháy bùng phát rạng sáng 1-5, tại Bệnh viện Welfare thuộc bang Gujarat, đã cướp đi tính mạng 18 người bệnh. (Ảnh: AP)

Đối mặt với làn sóng lây nhiễm chưa từng có, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi mô tả đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng một thế kỷ mới xảy ra một lần. (Ảnh: Reuters)

Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ hiện chỉ đứng sau con số này của Mỹ. Ngày 30-4, ông Modi đã triệu tập Nội các Ấn Độ để thảo luận về giải pháp cứu hệ thống y tế, bổ sung giường bệnh, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, bảo quản và vận chuyển oxy cũng như giải quyết tình trạng thiếu các loại thuốc thiết yếu. (Ảnh: Reuters)

Người đàn ông tại TP Ghaziabad đang theo dõi nhịp thở của mẹ bên trong xe ô-tô. (Ảnh: Reuters)

Bên trong xe cứu thương đỗ trước một điểm hóa thân tại New Delhi, người phụ nữ ôm thi thể người chồng vừa qua đời do Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Một điểm hỏa táng các nạn nhân của Covid-19 ở thủ đô của Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Nhân viên y tế chở củi để chuẩn bị hỏa táng nạn nhân của Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Cậu bé kìm nén nỗi đau trong lễ hỏa táng người cha vừa qua đời do Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Vòng tay chia sẻ đau thương với những người mất đi người thân trong một đại dịch thảm khốc. (Ảnh: Reuters)

Hôm nay (1-5), Ấn Độ bắt đầu mở rộng chương trình tiêm ngừa Covid-19 cho tất cả người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, tương đương khoảng 600 triệu dân. Tuy nhiên, nhiều bang cho biết không có đủ lượng vaccine để cung cấp cho người dân. (Ảnh: AP)

Giới chức tại Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của làn sóng dịch bệnh hiện nay, cam kết sẽ cung cấp miễn phí vaccine cho người từ 18 đến 44 tuổi, song thừa nhận tình trạng thiếu vaccine đồng nghĩa với việc bang này sẽ không thể triển khai tiêm chủng theo kế hoạch ban đầu. (Ảnh: Getty Images)

Các hãng sản xuất vaccine của Ấn Độ sản xuất khoảng 70 triệu liều vaccine mỗi tháng. Chính quyền liên bang mua một nửa sản lượng này để chuyển cho các bang. Đến nay, vaccine của chính phủ vẫn được tiêm miễn phí. Trong khi các bệnh viện tư nhân được phép bán vaccine với mức giá tối đa 250 rupee, khoảng 3 USD/liều. (Ảnh: AP)

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến tối 30-4 (giờ địa phương), Ấn Độ đã tiêm 154.854.096 liều vaccine cho người dân. Tổng cộng 27.889.889 người đã được tiêm hai mũi vaccine, tương đương 2,1% dân số của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân. Nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vào ngày 16-1 vừa qua.

H.H (Theo AP, ANI)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/ben-trong-con-ac-mong-tai-an-do-644197/