Bến Tre: Triều cường và nỗi lo ô nhiễm nguồn nước

Trong mỗi đợt triều cường, bên cạnh nỗi lo sạt lở của người dân khu vực cồn, ven sông và bờ biển được ghi nhận trong suốt thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre, thì gần đây người dân còn có thêm nỗi lo nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Bến Tre: Triều cường và nỗi lo ô nhiễm nguồn nước

Nguồn nước bẩn đục

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương, tình trạng nước dâng kèm theo rác, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi đã xuất hiện ở mức độ khó có thể kiểm soát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo nhiều hộ dân ở xã Cẩm Sơn, Định Thủy và Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam), thời gian gần đây, triều cường dâng cao hơn bình thường các năm qua làm cho nước thải trong chăn nuôi tràn lan ra diện rộng, trong ao mương, kênh rạch. Nhiều hộ không dám sử dụng nước trong sinh hoạt vì lo ô nhiễm. Trẻ con không dám tắm sông. Thực tế đã có người dân bị các bệnh về da khi tiếp xúc với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ông Phạm Văn Nhân ở ấp Tân Quới 1, xã Phước Hiệp do công việc làm vườn nên thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước dâng lên do triều cường. Thời gian gần đây, sau khi kết thúc công việc, tối đến, da vùng tay và chân ông có biểu hiện đỏ kèm theo ngứa. Ông Phạm Văn Nhân cho hay, trước đây không gặp tình trạng này. Ông đã kiểm tra tại cơ sở y tế, kết quả bị viêm da. Có thể nguồn nước thải từ các hầm biogas của hộ chăn nuôi trong những ngày triều cường gây ra.

Các hộ dân xã Phước Hiệp cho biết, mỗi ngày triều cường dâng cao 2 đợt, tầm 6 giờ sáng và sau 18 giờ. Nhiều ao, mương vườn ngập nước, một số gia đình có nền đất thấp bị nước tràn vào sân. Trong nguồn nước đó có lẫn màu đen đục. “Đó có thể là tạp chất của nước thải trong chăn nuôi” – một hộ dân nhận định.

Bên cạnh đó, triều cường còn làm lượng rác sinh hoạt “vô gia cư” theo dòng chảy kéo về ngày một nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chia sẻ, khu vực huyện Chợ Lách đã được đê bao khép kín, mỗi đợt triều cường không ảnh hưởng đến sản xuất của dân, chỉ xuất hiện các túi nylon to nhỏ nổi lềnh bềnh trên các tuyến sông trông mất vệ sinh.

Theo ông Phạm Văn Giếng – Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, hiện nay, do các hộ chăn nuôi trên địa bàn ngưng nuôi gần hết nên nguồn xả thải trong chăn nuôi không nhiều. Do đó, tình trạng môi trường chưa nghiêm trọng như các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước khi có đợt triều cường. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn có nhưng cục bộ, chưa đến mức báo động. Nhiều ao, mương bị vẩn đục nhưng không nghiêm trọng.

Giải pháp xử lý

Theo phân tích của ngành chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường là do tác nhân của con người. Đó có thể là hành động vứt rác bừa bãi và việc không tuân thủ các biện pháp xử lý nước, rác thải theo hướng dẫn.

Hiện nay, ven các sông, ao, mương là nơi khu dân cư tập trung sinh sống, nguồn nước từ đây được người dân sử dụng cho sinh hoạt, nhất là ở vùng nông thôn. Khi triều cường kèm theo các biến động về tình trạng ô nhiễm môi trường đang và sẽ đe dọa sức khỏe người dân. Vì thế, việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân nông thôn cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả ngay từ hôm nay.

Mỗi người cần ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng việc làm cụ thể, thiết thực từ việc bảo vệ môi trường sống. Thay vì tiện tay quăng rác thải xuống ao, mương vườn thì mỗi người hãy chôn lấp để góp phần cải thiện môi trường và nguồn nước ngày càng sạch, đảm bảo cho sự sống hơn” – ông Nguyễn Hồng Hải – nhân viên Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, khi môi trường bị ô nhiễm, trong đó có nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tùy theo mức độ ô nhiễm và sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm có thể tiềm ẩn các bệnh về da, gây ảnh hưởng thai phụ, nghiêm trọng hơn là nuôi mầm bệnh ung thư.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Văn Phúc – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết và lâu dài của toàn xã hội. Mỗi người dân nên cộng đồng trách nhiệm cùng nhau bảo vệ môi trường sạch sẽ, nguồn nước hợp vệ sinh, không khí trong lành. Thời gian tới, bên cạnh kêu gọi sự vào cuộc của mọi tầng lớp, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền và tập huấn hướng dẫn cách thu gom rác cũng như xử lý nước thải trong chăn nuôi đạt hiệu quả. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm khi triều cường. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn cách thu gom, lưu giữ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; tập trung tuyên truyền tác hại của môi trường ô nhiễm đến từng hộ dân, qua đó nâng cao nhận thức và hướng đến thay đổi hành vi của họ.

Theo thông báo khí tượng thủy văn, từ ngày 1 đến 10/12/2017, mực nước trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh có khả năng diễn biến theo 2 chu kỳ nguyệt triều, gồm 2 thời kỳ triều cường và 2 thời kỳ triều kém. Trong đó, 2 thời kỳ triều cường xuất hiện từ ngày 2 đến 7/12/2017. Theo dự báo, tình hình triều cường trong tháng 12 khả năng cao nhất năm.

Theo báo Đồng Khởi

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/ben-tre-trieu-cuong-va-noi-lo-o-nhiem-nguon-nuoc/