Bến Tre tiên phong trong Chương trình khởi nghiệp

Với những bước đi sáng tạo, đúng hướng trên cơ sở phát huy tinh thần 'đồng khởi' của quê hương cách mạng, tỉnh Bến Tre đã đưa Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp vào thực chất. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của quê hương xứ dừa, phát huy phong trào ' Đồng khởi' đầu tiên của cả nước.

Với tinh thần "tăng tốc", trong 9 tháng đầu năm thực hiện chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” với nhiều nội dung, hành động cụ thể, tỉnh Bến Tre đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 415 doanh nghiệp đạt 59,3% nâng tổng số doanh nghiệp của cả tỉnh lên đến 3.230 doanh nghiệp, 3.277 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới đạt 54,62% kế hoạch năm, nâng hộ kinh doanh cá thể lên 46.124 hộ và gần 103 hợp tác xã, 1147 tổ hợp tác. Qua đó, đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm các bộ phận: cộng đồng khởi nghiệp, nhóm hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối với các viện, trường, chuyên gia.

Toàn tỉnh đã tổ chức rà soát, chọn 19 xã điểm để triển khai thực hiện Đề án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững năm 2018 và 30 xã thuộc dự án AMD. Qua 9 tháng đầu năm, có 322 doanh nghiệp tuyển dụng được 2.316 lao động (trong đó có 1226 lao động nữ); tư vấn việc làm cho 30.226 lượt người; xuất khẩu lao động 918 người đến thị trường các nước. Qua đó, giúp người lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

 Bến Tre là thủ phủ của dừa và có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa đã đem đến thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Bến Tre là thủ phủ của dừa và có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa đã đem đến thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Nhờ thực hiện chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” mà trong 2 năm qua tỉnh Bến Tre có hơn 4.100 hộ thoát nghèo, trong đó có 2.600 hộ thoát nghèo bền vững; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm, tạo việc làm cho 39.832 lao động, xuất khẩu được hơn 1.400 lao động.

Để thực hiện tốt chương trình này, tỉnh Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia; trong đó chú trọng công tác tuyến truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn; triển khai các dự án khởi nghiệp. Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã lập 774 dự án để trợ vốn với tổng kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp trên 800 tỷ đồng. Từ chương trình “ Đồng khởi- khởi nghiệp” đã xuất hiện nhiều mô hình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới, có triển vọng.

Cách nay 2 năm, bà Lê Thị To, ngụ ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre khởi nghiệp từ sản phẩm tép rang dừa - một trong những đặc sản của địa phương.

Sản phẩm tép rang dừa của bà To (được đóng gói, hút chân không nhằm bảo quản được lâu hơn và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm) là mô hình khởi nghiệp thành công. Hiện các sản phẩm này được đưa vào hệ thống siêu thị các nơi. Hiện tại tổ hợp tác phụ nữ xã Mỹ Hưng có 20 chị em trong ấp tham gia sản xuất sản phẩm này đã có nguồn thu nhập ổn định. Quy mô sản xuất đang được mở rộng ra ba tổ hợp tác tại xã Mỹ Hưng, An Nhơn (huyện Thạnh Phú) và Lương Hòa (huyện Giồng Trôm).

Dự án khởi nghiệp “Dừa Phú Quý - Bến Tre” của anh Huỳnh Thanh Tâm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi.

Hay trường hợp anh Huỳnh Thanh Tâm, một thanh niên ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được Tỉnh Đoàn Bến Tre hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện Dự án khởi nghiệp “Dừa Phú Quý - Bến Tre”. Qua thời gian nghiên cứu, mày mò, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, anh Tâm đã khởi nghiệp thành công dự án này.

Sản phẩm dừa in chữ, dừa hồ lô in chữ nổi của anh Huỳnh Thanh Tâm đã được Cục Khoa học công nghệ đăng ký độc quyền. Với dự án này, anh Tâm đã sản xuất 2.000 trái bán trong nước trong dịp tết cổ truyền với mức giá bán từ 300 - 500 ngàn đồng/quả, giá trị tăng gấp hàng chục lần so với trái dừa thông thường; hiện anh đang thực hiện đơn hàng 4.000 trái dừa hồ lô xuất sang châu Âu . Hiện nay, anh Huỳnh Thanh Tâm đã thành lập doanh nghiệp trái cây tạo hình và có thể khắc chữ, tạo hình trên nhiều loại trái cây khác có giá trị cao.

Mô hình tập thể khởi nghiệp phải kể đến xã đoàn Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tháng 3/2017, tại đây đã thành lập tổ hợp tác sản xuất cây Đinh lăng, với 11 thành viên ban đầu. Đến nay, tổ đã triển khai trồng trên diện tích đất của hàng chục đoàn viên, thanh niên và cả nông dân tham gia. Tuy tận dụng diện tích đất ít, chi phí, công sức không nhiều nhưng nhờ doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá ổn định nên mỗi năm người trồng cây này cũng có thêm thu nhập từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng.

Còn rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre nhờ tiếp tục tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả đã trở thành những đơn vị dẫn đầu, tiêu biểu trong chương trình "Đồng Khởi - khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”.

Hiện nay, chương trình “Đồng khởi- khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” đang được tỉnh Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh, rộng khắp. Theo kế hoạch từ chương trình này, đến năm 2020, địa phương phấn đấu thành lập mới ít nhất 1.500 doanh nghiệp, hỗ trợ gần 16.000 hộ thoát nghèo bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5,5%...

Và, để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu, tiếp tục cải cách nền hành chính, ban hành các chính sách phù hợp, kết nối các nguồn lực để xây dựng quỹ khởi nghiệp của tỉnh đạt quy mô 50 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Bến Tre phấn đấu trở thành “địa phương khởi nghiệp”; đẩy mạnh khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” để tận dụng lợi thế và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục tạo lập môi trường khởi nghiệp thông thoáng, tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển dựa trên nền tảng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh; phát huy vai trò của các tổ chức trong cộng đồng khởi nghiệp tỉnh.

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Làm sao phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chính sách của TW về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng ban hành một số chính sách của địa phương vừa đẩy nhanh vừa tạo môi trường bền vững cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Thái Sơn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/ben-tre-tien-phong-trong-chuong-trinh-khoi-nghiep-48673